Hoạt động của ngành

Độc đáo chợ phiên Hà Lâu (Quảng Ninh)

Cập nhật: 09/01/2023 09:15:38
Số lần đọc: 505
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi có dịp lên xã vùng cao Hà Lâu của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) và được tham dự vào không khí vui tươi đầy màu sắc của chợ phiên vùng cao nơi đây. Dường như cái rét ở vùng cao được hâm nóng bởi không khí rộn ràng của chợ phiên Hà Lâu với rất nhiều sắc màu rực rỡ trên khăn, áo truyền thống của người Dao nổi bật giữa mầu xanh núi rừng Ðông Bắc.  


Giới thiệu sản phẩm truyền thống tại Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu.

Thật may mắn khi được hòa mình vào không khí sôi động, vui vẻ, đặc sắc của một đám cưới người Dao tái hiện vào đúng dịp chợ phiên Hà Lâu. Ðây là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của bà con dân tộc Dao đánh dấu cuộc hành trình đi tới hôn nhân của đôi nam nữ. Nghi lễ đám cưới được tiến hành trong thời gian từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau và liên tiếp từ nhà gái sang nhà trai.

Rực rỡ sắc màu vùng cao

Vào ngày trọng đại này, cô dâu sẽ mặc trang phục của dân tộc mình, đó là một bộ váy áo đẹp và cầu kỳ nhất. Ðiều quan trọng hơn là bộ trang phục phải do chính cô dâu tự thêu cho mình trước khi đi lấy chồng. Nếu người con gái không tự thêu được thì bộ trang phục phải do mẹ, chị, cô, dì hay bác của cô dâu thêu cho. Ngoài trang phục áo dài được thêu hoa văn cầu kỳ, về nhà trai, cô dâu còn có thêm những chiếc khăn thêu để buộc áo, chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ mầu sặc sỡ. Còn trang phục của chú rể có phần đơn giản hơn, đó là chiếc áo được nhuộm chàm thêu hoa văn và đội thêm một chiếc mũ vải cũng thêu hoa văn. Nghi thức rước dâu được tái hiện một phần trên sân khấu đã giúp mỗi người có được hình dung rõ hơn về nét đẹp trong văn hóa người dân tộc Dao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Phạm Văn Hoài cho biết: Thời gian qua, huyện tập trung xây dựng đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Thông qua chợ phiên Hà Lâu, huyện mong muốn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đã và đang bị mai một dần. Huyện coi đây là động lực để phát triển kinh tế-xã hội, thu hút du khách và qua đó giúp quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp cũng như những sản phẩm truyền thống của người dân vùng cao nơi đây đến với du khách. Phiên chợ cũng giúp người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tập tục lạc hậu, cổ hủ và hình thành nếp sống văn minh, hiện đại hơn.

Chợ phiên Hà Lâu được bố trí ở một không gian cố định, không quá rộng và các gian hàng cũng mộc mạc và gần gũi. Khung cảnh chợ phiên Hà Lâu khiến chúng tôi nhớ lại những phiên chợ quê ở vùng đồng bằng trước đây. Người dân bán hàng hóa chủ yếu là sản vật địa phương, trong đó đồ ăn chiếm nhiều nhất, có khoai lang, ngô bắp, cá khô, xôi nhiều mầu, gạo tẻ, nếp nương, thịt lợn bản, các loại rau như bí đỏ, bí xanh, ngọn su su, bắp cải rồi cam, quýt, trứng gà, vịt, mật ong và các loại bánh như bánh chưng gù, bánh cốc mò... Bên cạnh đó là quần áo, đồ chơi, dụng cụ sản xuất, các loại lá thuốc, rễ cây, hoa, quả khô ngâm rượu men lá.

Càng gần trưa, chợ phiên Hà Lâu càng đông hơn và có nhiều nhóm du khách từ các nơi đổ về làm không khí của nơi núi rừng Ðông Bắc nóng dần lên. Chợ phiên cuối năm mở vào cuối tuần, đúng vào dịp Lễ hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Dao được tổ chức nên thu hút đông người hơn. Tại gian hàng cho thuê quần áo truyền thống của người Dao tấp nập chị em thử đồ để mặc đi chơi, chụp ảnh.

Chị Triệu Tài Múi với bộ trang phục Dao truyền thống đang giới thiệu các sản phẩm truyền thống của xã, vui vẻ cho biết: Sau hai năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, chị rất háo hức tới chợ phiên và các lễ hội trên địa bàn, vừa là để trao đổi, giao lưu hàng hóa cũng như giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

Sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số hội tụ ở chợ phiên Hà Lâu cũng chính là điểm hấp dẫn du khách. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Biên ở thị xã Ðông Triều ở gian hàng đầy màu sắc của Hội Phụ nữ xã Hà Lâu đang mua gạo bao thai và gạo nếp nương. Chị cho biết, nhân ngày nghỉ cuối tuần, chị rủ bạn bè cùng đi chơi chợ phiên để được trải nghiệm và khám phá những nét đặc sắc của chợ phiên vùng cao. Ðây là lần đầu tiên chị được khám phá vùng đất này và thấy rất thích các hoạt động văn hóa đậm nét truyền thống của người dân nơi đây.

Ðến chợ phiên Hà Lâu, mọi người không thể không trải nghiệm một trong những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Dao được tái hiện sinh động, đó chính là lễ cấp sắc (hay còn gọi là Phùn Voòng), một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong đời một người đàn ông Dao. Lễ cấp sắc được tái hiện trên sân khấu, thông qua nội dung các bài cúng khấn, các bài hát nói lên khát vọng mong muốn có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc, thể hiện những quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản và có tác dụng giáo dục sâu sắc.

Du khách đến với chợ phiên Hà Lâu không chỉ thích thú khi được mua sắm những sản phẩm do bà con dân tộc Dao Thanh Y sản xuất và giới thiệu, mà còn đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống qua các hoạt động chính của phiên chợ vùng cao. Người Dao không chỉ nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó làm ăn nên kinh tế phát triển khá ổn định mà còn bởi họ đã giữ gìn và bảo lưu hầu như nguyên vẹn những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu Phạm Tiến Dũng cho biết: Một thời gian do phải phòng, chống dịch Covid-19 nên chợ phiên Hà Lâu phải dừng tổ chức. Năm nay, chợ phiên được khôi phục. Ở đây ta có thể mua được những sản vật của núi rừng do chính người dân Hà Lâu và các vùng lân cận làm ra như mật ong rừng, nấm chẹo, hay gà đồi Tiên Yên. Ðặc biệt, trong chợ phiên Hà Lâu ta còn được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao, ngắm các cô gái Dao xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ, tạo nên nét đẹp riêng có ở vùng cao và không khí vui tươi suốt thời gian diễn ra chợ phiên.

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống

Hà Lâu một thời từng là xã nghèo của huyện Tiên Yên, nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi diện mạo của xã, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Hà Lâu giờ đây cũng không còn quá xa, vì giao thông thuận lợi, các phương tiện thông tin liên lạc đã phát triển rộng khắp. Chợ phiên Hà Lâu cũng có những gian hàng chở từ phố lên, từ quần áo, phụ kiện, thực phẩm cho đến các vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã.

Nhớ lại trước đây, các thôn bản Bắc Lù hay thôn Co Mười-Khe Liềng, giao thông rất khó khăn, người dân phải chống mảng qua sông, đến nay chống mảng trên sông hay đi trên cầu treo lắt lẻo lại được xã khai thác thành một mô hình du lịch hấp dẫn du khách. Mới đây, chính quyền xã Hà Lâu đã giúp người dân có cơ hội khai thác cầu treo trở thành mô hình trải nghiệm cho du khách. Cầu treo được sơn mới, bà con trang trí dây hoa sặc sỡ. Nhiều du khách khi đến Hà Lâu thích đi trên những chiếc cầu treo, từ đó phóng tầm mắt ra xa là con sông Hội Phố, nước chảy uốn quanh. Ven dòng sông là các bãi bồi về mùa đông, cuối năm hoa lau nở ngập tràn, du khách có thể trải nghiệm được ngồi trên mảng đi dọc sông Hội Phố đoạn chảy qua thôn Bắc Lù, với sự tham gia của người dân địa phương và chỉ thực hiện những ngày dòng sông phẳng lặng, thời tiết tốt.

Du khách sẽ được trải nghiệm qua sông bằng mảng làm từ những cây tre bương, được kết với nhau, rồi bơi trên sông cùng các cô gái Dao, Tày với những bộ quần áo màu sắc rực rỡ và đặc sắc. Chợ phiên Hà Lâu đã từ lâu không chỉ thu hút người Dao đến từ các thôn bản, xã của huyện Tiên Yên, mà còn cả bà con các dân tộc đến từ huyện Bình Liêu và các huyện Ðình Lập, Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn sang mua bán trao đổi hàng hóa và trải nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Phạm Văn Hoài cho biết: Hằng năm, huyện Tiên Yên tổ chức Lễ hội văn hóa, thể thao dân tộc Dao gắn với chợ phiên Hà Lâu và đây là sinh hoạt cộng đồng truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chợ phiên không chỉ tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Ðây cũng là cơ hội để xã Hà Lâu thu hút hơn nữa khách du lịch.

Nắng đã ngả về chiều, chợ phiên dần vãn khách nhưng không khí lễ hội thì chưa, người dân, du khách sau khi mua bán, vui chơi tại chợ lại tiếp tục tản ra đi chơi, tham quan, chụp ảnh tại các điểm check-in khu vực lân cận chợ phiên của xã, như cầu treo, Cung điện hoa tại thôn Bắc Lù, cầu treo Khe Liềng (thôn Co Mười-Khe Liềng).

Lương Quang Thọ

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 07/01/2023

Cùng chuyên mục