Hoạt động của ngành

Điện Biên: Giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: 19/09/2024 15:27:58
Số lần đọc: 481
“Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất” bởi văn hóa chính là hồn cốt tinh thần của dân tộc. Ðó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021. Nhiệm vụ chăm lo, gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa dân tộc cần được mỗi người Việt Nam tham gia thực hiện, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa, truyền thống của dân tộc, các vùng miền.


Di tích đồi A1 - nơi từng diễn ra trận chiến ác liệt nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ cũng từng là nơi có công trình linh thiêng thờ Ðức Thánh Trần. Trong ảnh: Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: C.T.V

Lịch sử đất nước ta cho thấy, Ðảng có quan điểm xuyên suốt đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội; quan tâm, coi trọng những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của người Việt Nam. Những ngày qua, giá trị văn hóa dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm của người Việt Nam đang được nhân lên, sẻ chia đau thương, mất mát với đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra. Những chuyến hàng cứu trợ, những tấm lòng sẻ chia và lực lượng quân đội, công an… miệt mài lội bùn, đào đất tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, gây dựng cuộc sống. Càng trong đau thương, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào càng được thể hiện rõ hơn bằng những hành động cụ thể, ý nghĩa. Ðó chính là giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam với vai trò tiên phong “soi đường cho quốc dân đi”.

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, cần quan tâm phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Việt Nam với những chuẩn mực đạo đức, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Ngày 29/8/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chỉ thị 30 đã khẳng định: Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại. Chính phủ chỉ đạo việc phát triển công nghiệp văn hóa “phải có tư duy sắc bén, biết lựa chọn tinh hoa, tạo đột phá phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng…”. Ðiều đó cho thấy, việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc đã được Ðảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, định hướng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Với cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có những sắc thái, nét văn hóa đặc trưng làm nên sự đa dạng văn hóa, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của toàn dân. Tính dân tộc là yếu tố cấu thành bản chất của văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo sức sống mãnh liệt, là điểm tựa vững chắc để người Việt Nam vượt qua khó khăn và phát triển. Sự đa dạng của văn hóa dân tộc được nhận ra qua phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa dân gian, ngôn ngữ…

Cùng với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, 19 dân tộc của tỉnh Ðiện Biên với bản sắc văn hóa đặc trưng đã làm nên văn hóa đa dạng, đặc sắc gồm phong tục tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, ẩm thực… Ðiện Biên có hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể phong phú trải khắp các huyện, thị, thành phố. Hệ thống di tích, di sản văn hóa các dân tộc đã làm nên sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa Ðiện Biên. Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là di tích cấp quốc gia đặc biệt cùng 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh và 37 lễ hội truyền thống… chính là môi trường để giáo dục lịch sử, trao truyền giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Cùng với đó là 20 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nổi bật là nghệ thuật xòe Thái và then Tày, Nùng, Thái đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự đa dạng, nét đặc sắc của văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ, phát huy qua nhiều hoạt động phục dựng, tổ chức và duy trì trong đời sống hàng ngày của người dân. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng cao, biên giới trong toàn tỉnh.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động trái chiều của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của internet, mạng xã hội. Việc giao lưu, tiếp thu văn hóa bên ngoài cần có sự chọn lọc, tránh vội vàng tiếp thu thụ động, làm mất bản sắc, sự đa dạng của văn hóa dân tộc. Một trong những vấn đề cần lưu ý đó là các thế lực thù địch, phản động lấy văn hóa là lĩnh vực chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết để đấu tranh khi hoạt động giao lưu văn hóa, đặc biệt trên môi trường mạng ngày càng phổ biến.

Gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cần được nghiên cứu, gắn với xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch về văn hóa, ẩm thực; phục dựng các lễ hội truyền thống; giảng dạy và tuyên truyền tới thế hệ trẻ nét đặc sắc của văn hóa từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện bảo tồn di sản văn hóa; tổ chức hội thảo, sự kiện, lễ hội… giao lưu văn hóa giữa các địa phương; tạo điều kiện khuyến khích sự sáng tạo, truyền dạy của các nghệ nhân dân gian. Khi mỗi dân tộc, mỗi địa phương, mỗi người dân có ý thức trách nhiệm trong giữ gìn và trao truyền bản sắc văn hóa sẽ phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Hà Anh

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.com.vn - Đăng ngày 19/9/2024

Cùng chuyên mục