Hoạt động của ngành

Điện Biên: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Cập nhật: 10/06/2021 10:52:57
Số lần đọc: 866
Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng về loại hình di sản văn hóa; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn các loại hình di sản văn hóa để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Học sinh Trường THPT Mường Chà được giới thiệu và trải nghiệm tham gia đan lát các vật dụng sinh hoạt của người dân tộc Thái (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Qua bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này đã tạo cơ hội việc làm cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, văn nghệ, kinh tế giữa các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Với những nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đến nay toàn tỉnh có 10 huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích; 27 di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; 9 di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi; 100% số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung được bảo quản. 18 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa (trong đó 11 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy). Hiện tỉnh có 15 di sản văn hóa phi vật thể được lựa chọn lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 9 huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất một nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; 2 bản văn hóa truyền thống dân tộc (bản dân tộc Thái bản Che Căn, xã Mường Phăng và dân tộc Khơ Mú bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ) đã và đang được bảo tồn; 11 bản văn hóa - du lịch được quan tâm hỗ trợ trong đó tập trung công tác đào tạo, tập huấn trang bị về kiến thức, kỹ năng trong hoạt động du lịch. Tỉnh cũng đã nỗ lực triển khai bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa (dân tộc Si La, Cống). Trong đó đã tiến hành kiểm kê toàn diện di sản văn hóa; bảo tồn “Lễ cầu mùa” dân tộc Si La; mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc và bảo tồn trang phục truyền thống cho dân tộc Si La và dân tộc Cống; di sản “Mền loóng phạt ái” (Tết Hoa mào gà) của dân tộc Cống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn di sản văn hóa vật thể, tỉnh quan tâm thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Hiện có 67 di tích được kiểm kê và 27 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng (1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh). Thực hiện cắm 45 mốc khoanh vùng bảo vệ cho di tích lịch sử văn hóa thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên); 191 biển báo, biển chỉ dẫn các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là di tích chiến trường Điện Biên Phủ; triển khai dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ; thực hiện bảo tồn, tôn tạo di tích: Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh tại huyện Điện Biên Đông; di tích thành Bản Phủ, động Pa Thơm tại huyện Điện Biên; hang động Xá Nhè và Khó Chua La (huyện Tủa Chùa). Công tác sưu tầm, bảo tồn và dịch thuật, in ấn tài liệu chữ viết cổ đang được triển khai thực hiện. Đến nay đã sưu tầm được hơn 200 cuốn sách (tài liệu cổ). Việc triển khai đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên trong đó có dân tộc Cống và dân tộc Si La đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc này cơ bản được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đa số đồng bào được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục thông tin; các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn…

Điện Biên xác định bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc rất ít người, không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình; khích lệ sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới trong phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đặc biệt là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Xây dựng và triển khai các dự án về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố. Tìm kiếm, kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh, công bố danh mục kiểm kê và tiến tới lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích.

Đối với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tỉnh sẽ thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa các dân tộc trên cơ sở đó lựa chọn lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xây dựng và triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc có nguy cơ bị mai một; giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống các dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, thể hiện tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó tỉnh cũng đầu tư, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, phát triển du lịch nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, nhất là đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, người am hiểu nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc./.

Gia Kiên

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục