Non nước Việt Nam

Đắk Lắk: Nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: 17/08/2020 10:24:41
Số lần đọc: 1135
Huyện Lắk là một huyện nằm ở phía nam tỉnh Đắk Lắk có 90 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với hơn 45 nghìn người, chiếm khoảng 64% dân số của huyện.


Nghệ nhân nghề gốm ở xã Yang Tao với những sản phẩm gốm của dân tộc mình.

Trong đó, phần đông là đồng bào M’nông, với hơn 31 nghìn người, chiếm khoảng 44% dân số. Ngoài ra, còn có các DTTS khác như: Tày, Hmông, Thái, Nùng… Do đó, đời sống văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện khá phong phú và đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên từ lâu đời.

Để góp phần bảo tồn vốn văn hóa đặc sắc ấy, trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND huyện Lắk chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình và xem đó như trách nhiệm của mỗi công dân sinh sống tại địa phương. Huyện Lắk vẫn duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan; khảo sát điều tra, sưu tầm, phục dựng giá trị văn hóa ở các buôn trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân các buôn giao lưu văn hóa, diễn xướng cồng chiêng tại các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giữa các buôn với nhau… Hằng năm huyện Lắk đều xây dựng kế hoạch kiểm kê, sưu tầm các di sản văn hóa của đồng bào DTTS như: các bài sử thi, dân ca, truyện cổ, các bài chiêng, dàn chiêng... qua đó có hướng gìn giữ, bảo tồn phù hợp.

Điều đặc biệt ở huyện Lắk là nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của cộng đồng người M’nông sinh sống nơi đây. Trên địa bàn huyện, hiện còn duy trì các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát chiếu cói, làm gốm... để làm ra các vật dụng phục vụ sinh hoạt và bán cho du khách.

Buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao) là nơi duy nhất ở Tây Nguyên còn làm gốm cổ của người M’nông Rlăm với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và cách nung gốm lộ thiên. Người làm gốm đẹp nhất ở huyện Lắk bây giờ phải kể đến bà H’Lum Uông và H’Phiết Uông (cùng ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao).

Với bà H’Lum Uông, việc làm gốm không đơn giản là tạo ra một vật dụng mà còn gửi gắm vào đó niềm đam mê đối với một biểu trưng văn hóa của dân tộc. Dù thu nhập không lớn, song bà vẫn cứ miệt mài với nghề. Những chiếc nồi đất, ly nước, bình cắm hoa… do bà làm ra có đường nét rất tinh xảo.

Theo bà H'Lum Uông, nghề này thường do mẹ dạy cho con, truyền từ đời này qua đời khác. Cuộc sống ngày nay đã hiện đại hơn nhiều, lo sợ mai một nghề truyền thống nên bà đang nỗ lực cùng với ngành văn hóa huyện tổ chức truyền dạy nghề gốm cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

Với nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đến nay, trên địa bàn huyện Lắk còn lưu giữ được 272 bộ chiêng, có 810 nghệ nhân diễn tấu chiêng, 14 nghệ nhân biết chỉnh chiêng… Huyện đã phục dựng nhiều nghi lễ đặc sắc của đồng bào như Lễ cưới dân tộc M’nông Gar (buôn Jê Yuk, xã Đắk Phơi); Lễ cúng cơm mới của người M’nông (xã Đắk Phơi); Lễ cúng sức khoẻ cho voi (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn)…

Hiện tại trên địa bàn có 50 nhà dài truyền thống, trong đó có 5 nhà dài truyền thống làm bằng gỗ, tre, nứa ở buôn Mliêng nằm trong diện bảo tồn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. Huyện cũng tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các xã, thị trấn trên địa bàn…

Ông Tô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, việc nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa cũng như phục dụng các nghi lễ, tổ chức các lễ hội, liên hoan, hội diễn… đã đánh thức nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, khuyến khích người dân biết trân trọng, tự hào và giữ gìn những nét đẹp văn hóa vốn có lâu đời của dân tộc mình.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT