Non nước Việt Nam

Đắk Lắk: Ấn tượng Bảo tàng Ama H’Mai giữa buôn làng Tây Nguyên

Cập nhật: 25/08/2022 05:37:10
Số lần đọc: 811
Nằm khép mình giữa buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bảo tàng Ama H’Mai là bảo tàng tư nhân thứ 2 ở Đắk Lắk được cấp phép hoạt động.  


Ông Mẫn Phong Sơn giới thiệu về những bộ chiêng quý do mình sưu tầm được và đang trưng bày tại Bảo tàng Ama H’mai.

Dù là bảo tàng tư nhân nhưng tại đây hiện đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt, trang sức, săn bắn... của các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa đến nay, trong đó, có nhiều hiện vật quý hiếm.

Vợ chồng ông Mẫn Phong Sơn và bà H’Hoa Kpă đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Bảo tàng tư nhân Ama H’Mai để trưng bày, giới thiệu các hiện vật... của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Bảo tàng Ama H’Mai thuộc sở hữu của vợ chồng ông Mẫn Phong Sơn và bà H’Hoa Kpă. Để xây dựng nên bảo tàng, vợ chồng ông Mẫn Phong Sơn đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng nhà trưng bày, đặc biệt ông đã dành hàng chục năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu các hiện vật liên quan đến đồng bào Tây Nguyên.

Một "ché mẹ bồng con" quý hiếm trước đây ông Mẫn Phong Sơn phải đổi mấy con trâu để sở hữu, lưu giữ tại Bảo tàng.

Hiện, ông Sơn đang lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng của mình với hàng nghìn hiện vật gồm nhiều thể loại khác nhau, nhiều nhất là hiện vật về đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt, văn hóa... của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Áo được làm bằng vỏ cây rừng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trước đây.

Theo ông Mẫn Phong Sơn, nhiều bạn bè và người quen của ông cũng làm nghề sưu tầm các hiện vật liên quan đến đời sống, sinh hoạt, văn hóa... của đồng bào Tây Nguyên nhưng họ không đưa được những hiện vật và giá trị văn hóa độc đáo đó đến với cộng đồng, du khách.

Gùi có nắp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Còn riêng ông Sơn đã đầu tư xây hẳn một bảo tàng tư nhân để trưng bày, giới thiệu các hiện vật mình sưu tầm, lưu giữ được. Bởi theo ông, các hiện vật này vốn được sinh ra, nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường cộng đồng, buôn làng phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng, nay cần phải giới thiệu, quảng bá nó với cộng đồng và công chúng để họ cùng chung sức giữ gìn.

Một chiếc trống cổ được làm bằng da trâu đang trưng bày tại Bảo tàng Ama H’mai.

Đồng thời, các hiện vật sẽ lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân Tây Nguyên, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu. Qua đó, họ sẽ thêm yêu văn hóa, con người và vùng đất Tây Nguyên. Bên cạnh đó, bảo tàng giúp tạo thêm nguồn kinh phí để tiếp tục sưu tầm, bảo tồn và và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc sống đương đại và mai sau.

Tại Bảo tàng Ama H’mai, ông Mẫn Phong Sơn còn tái dựng lại một bếp truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Nguyễn Công Lý

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 24/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT