Hoạt động của ngành

Đa dạng hóa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Đắk Lắk

Cập nhật: 04/12/2020 08:47:25
Số lần đọc: 1058
Trong thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Đắk Lắk được các cơ quan, ban, ngành quan tâm, chú trọng hơn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm hỗ trợ và thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này tăng tốc mạnh mẽ, đồng thời bắt kịp xu thế phát triển chung trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.


Tham quan hồ Lắk là dịch vụ du lịch được nhiều du khách chọn lựa khi đến Đắk Lắk. Ảnh: Mai Sao

Dễ dàng nhận diện du lịch Đắk Lắk

Theo bà Lê Thị Chung - Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk, nhờ sự quan tâm, chú trọng đến công tác trên mà việc nhận diện “gương mặt” du lịch ở đây trở nên dễ dàng hơn đối với du khách, cũng như các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, ngoài việc quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ trên mạng Internet (thông qua trang tin điện tử có tên miền: http//daktip.vn và http://www.dulichdaklak.gov.vn) thì ngành du lịch Đắk Lắk cũng đã xây dựng một số video, đĩa DVD và nhiều ấn phẩm giới thiệu về các tour - tuyến du lịch tiêu biểu, đặc sắc trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá và thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt là Sở VH-TT-DL đã phối hợp với chính quyền địa phương 15 huyện, thị xã và thành phố khảo sát, xây dựng thêm các tuyến - điểm du lịch mới với nhiều sản phẩm đặc sắc, có lợi thế gắn với những hoạt động văn hóa nổi bật như: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (định kỳ 2 năm/lần); Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức theo mùa vụ nông nghiệp hằng năm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm của khách tham quan. Theo đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị chức năng và doanh nghiệp làm du lịch ở đây không ngừng nỗ lực liên kết, hợp tác với khoảng 30 tỉnh, thành trên cả nước để kích cầu ngành “công nghiệp không khói” này.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thụy Phương Hiếu, trong mối liên kết, hợp tác phát triển ấy, các doanh nghiệp làm du lịch đã chủ động xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến bài bản và trọng tâm hơn nhằm tạo điều kiện cho du khách nhận diện sâu sắc, đầy đủ về sản phẩm của mình. Từ năm 2019 đến nay, đã có gần 20 cuộc xúc tiến, quảng bá du lịch giữa Đắk Lắk (và ngược lại) với các tỉnh, thành ở khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên cũng như đồng bằng Nam Bộ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trao đổi thông tin, hợp tác xây dựng các gói sản phẩm du lịch - dịch vụ chất lượng với giá cả hợp lý, kèm theo những ưu đãi cho du khách khi lựa chọn điểm đến.

Mở rộng biên độ, hình thức xúc tiến

Với slogan “Đắk Lắk - Điểm đến của Cà phê thế giới”, cộng đồng làm du lịch ở đây đã cùng nhau mở rộng biên độ, hình thức quảng bá, xúc tiến đến tất cả đối tác trong nước và quốc tế thông qua các dịp hội nghị, hội chợ du lịch được tổ chức hằng năm tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh và cả một số quốc gia trong khối ASEAN… nhằm nâng cao thương hiệu du lịch của địa phương, thu hút ngày càng nhiều du khách đến Đắk Lắk.

Ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, kiêm Chi hội trưởng Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đắk Lắk chia sẻ: Song song với việc kết nối và kích cầu nói trên, các doanh nghiệp kinh doanh ngành "công nghiệp không khói” ở đây đã tìm cách đa dạng hóa hình thức tổ chức, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk thông qua hoạt động famtrip, roadshow nhằm phân khúc sản phẩm du lịch, cũng như thị trường khách đến đây theo hướng tập trung và có chiều sâu hơn với mục đích nâng cao thời gian lưu trú, mức chi tiêu của du khách, góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho toàn ngành du lịch tỉnh nhà.

Đặc biệt, đến nay chương trình hợp tác, kết nối sản phẩm du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh lân cận thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia  đã được các đơn vị làm du lịch trong khu vực kết nối xuyên suốt bằng hình thức thiết lập các “quầy thông tin” hội đủ những yếu tố mang tính thúc đẩy như điều hành tour, quản lý điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ… nhằm đưa - đón du khách một cách thuận lợi và hiệu quả hơn./.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục