Tin tức - Sự kiện

Chợ phiên vùng cao - điểm nhấn trong “sắc màu các dân tộc Việt Nam”

Cập nhật: 02/04/2019 10:05:54
Số lần đọc: 1304
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động tháng 4/2019 với chủ đề “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 1/4 đến ngày 2/5 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Chợ phiên vùng cao. (Nguồn: TTXVN)

Các hoạt động góp phần tôn vinh Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Điểm nhấn trong tháng Tư là hoạt động nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Sắc màu Lai Châu.”

Không gian chợ phiên vùng cao sẽ tạo cơ hội cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian, sản vật của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày, Hà Nhì, Si La...

Bên cạnh đó, công chúng được thưởng thức chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” của đoàn nghệ nhân dân tộc tỉnh Lai Châu và Sơn La; trưng bày, giới thiệu khoảng 40 bức ảnh với chủ đề “Sắc màu văn hóa Tây Bắc.”

Đồng thời, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tái hiện nhiều lễ hội, các trò diễn của đồng bào dân tộc, trong đó, điển hình là phần tái hiện lễ Pang A của dân tộc La Ha tỉnh Sơn La - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người, sống ở một số huyện ven sông Đà của tỉnh Sơn La và Lai Châu. Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống ngày một đổi thay nhưng cộng đồng người La Ha vẫn giữ được một số phong tục truyền thống tốt đẹp, trong đó có lễ hội Pang A.

Lễ hội Pang A (Lễ hội mừng măng mọc) thường được tổ chức hằng năm (có nơi từ 2- 3 năm tổ chức 1 lần với quy mô lớn hơn) vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư dương lịch. Đây là mùa măng đắng mọc (tiếng La Ha là nụn), một món ẩm thực rất riêng của đồng bào.

Ngoài măng đắng, mùa này còn có hoa mạ (bók mạ), hoa píp và hoa ban (bók ban), cũng được dùng làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh hoặc trang trí trong lễ hội, bởi vậy lễ hội này còn được gọi là “Pang A nụn ban.”

Thông qua lễ hội, người dân cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng, đồng thời tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh đã bảo vệ dân bản...

Ngoài lễ hội Pang A, Ban tổ chức và đồng bào còn giới thiệu đến công chúng trích đoạn nghi thức cúng cây đu “Gié Khừ Già,” lễ hội mùa mưa dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai Châu; Tết mừng lúa mới của dân tộc Si La...

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 19-21/4 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của hơn 270 đồng bào các dân tộc, trong đó có hơn 100 đồng bào là người đại diện các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc...

Chuỗi các hoạt động trong tháng 4/2019 với chủ đề “Sắc màu các dân tộc Việt Nam,” kết hợp với các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đây cũng là những hoạt động thiết thực góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT