Hoạt động của ngành

Bình Phước phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Cập nhật: 15/08/2024 15:42:53
Số lần đọc: 472
Bình Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Lễ hội của đồng bào các dân tộc là một trong những nét độc đáo rất riêng đang được tỉnh Bình Phước gìn giữ và không ngừng phát huy giá trị.


Không gian lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’ Nông ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Nhất Sơn)

Có thể kể đến các lễ hội được gìn giữ, bảo tồn tốt như: Mừng lúa mới của đồng bào X’tiêng, Lễ Sen Dolta, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Tết Ramưwan của đồng bào Chăm hay các tập tục cưới hỏi, ma chay, thờ cúng... của đồng bào các dân tộc thiểu số đã từng bước được thực hiện văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc...

Nơi hội tụ bản sắc văn hóa

Bình Phước là vùng đất “Miền Ðông gian lao mà anh dũng”, một trong những cái nôi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Sau ngày giải phóng, tỉnh là địa phương có 41 dân tộc anh em từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống, lập nghiệp, tạo nên một nền văn hóa hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng và có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.

Ðồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: “Các giá trị văn hóa của 41 dân tộc anh em đang góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội và hoạt động du lịch của địa phương; đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, trở thành điểm tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, lao động sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã xây dựng Nghị quyết “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chú trọng đa dạng văn hóa, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội: Hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.

Không gian lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’ Nông ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Nhất Sơn)

Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả quan trọng; trong đó, môi trường, nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” mang lại hiệu quả thiết thực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Các thiết chế văn hóa đã từng bước được quan tâm đầu tư.

Ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trên nhiều mặt, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. Qua đó, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa phương; là những nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển các giá trị văn hóa mới.

Tại quê hương cách mạng Phú Riềng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bình Phước về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, cuộc vận động xây dựng Phú Riềng “Thân thiện, nghĩa tình” là một trong những giải pháp hiệu quả. Qua cuộc vận động, toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và người dân huyện Phú Riềng thật sự gương mẫu và đi đầu trong xây dựng Phú Riềng “Thân thiện, nghĩa tình” gắn với các chuẩn mực ứng xử nơi làm việc, tại cộng đồng, khu dân cư...

Ðồng chí Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy cho biết: Thông qua cuộc vận động đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng chung tay xây dựng Phú Riềng “Thân thiện, nghĩa tình”. Mỗi người dân trên mảnh đất Phú Riềng thân yêu đã thể hiện rõ tinh thần yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, sống nhân ái, nghĩa tình, trung thực đoàn kết, cần cù, sáng tạo; có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng hương ước, quy ước của cộng đồng, có lối sống lành mạnh, có ý thức tự trọng, ứng xử có văn hóa, lịch thiệp.

Phát huy giá trị văn hóa đặc trưng

Với đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Bình Phước, ngoài đón Tết cổ truyền cùng với cả nước, mỗi dân tộc lại có những lễ hội truyền thống riêng, như: Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông, Lễ hội Mừng lúa mới của người X’tiêng, Lễ hội Phá bàu của người Khmer... Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững trong các lĩnh vực, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Ðể thực hiện được mục tiêu này, Bình Phước đang huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo, số hóa di sản để phát huy giá trị di tích. Trong đó tỉnh xây dựng các kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa của địa phương, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa; đồng thời bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội.

Mặt khác, tỉnh Bình Phước cũng huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và các vùng, miền khác để làm giàu văn hóa địa phương, tạo dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng.

Các già làng người M’ Nông (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) thực hiện nghi lễ kết bạn cộng đồng. (Ảnh: Nhất Sơn)

Dân tộc X’tiêng được xem là một trong những dân tộc sống lâu đời nhất tại Bình Phước. Người X’tiêng sống chủ yếu ở vùng tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên, mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc như: Múa xòe, xướng cổ và những lễ hội đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và giao tiếp hằng ngày của người dân tại Bình Phước.

Trong chiến tranh, đồng bào X’tiêng ở sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng) ngày đêm giã gạo nuôi quân; sẵn sàng ăn củ rừng, nấu ăn bằng nước lọc từ tro cỏ tranh để nhường gạo, muối cho bộ đội. Và không ít người con của dân tộc X’tiêng ở sóc Bom Bo đã đứng vào hàng ngũ quân đội cầm súng đánh Mỹ.

Già làng Ðiểu Lên (sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng) là một trong những nhân chứng lịch sử, là địa chỉ đỏ để nhân dân và khách du lịch thập phương đến tìm hiểu về lịch sử kháng chiến chống Mỹ trên mảnh đất Bình Phước. Già làng Ðiểu Lên đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, ba lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ-ngụy, chống càn và diệt ác-phá kìm.

Già làng Ðiểu Lên kể: “Thông thường thì người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau. Nhưng vào những năm địch càn quét gắt gao, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, bộ đội đang thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, với tinh thần yêu nước, một lòng theo Ðảng, theo cách mạng, đồng bào X’tiêng ở sóc Bom Bo đã đưa ra khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già trẻ, gái trai đồng lòng, đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến”. Hiện nay, quê hương của già Lên được tỉnh đầu tư xây dựng trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn.

Cùng với sóc Bom Bo, tỉnh Bình Phước còn có sáu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bốn di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia... cùng nhiều điểm đến hấp dẫn khác như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Ðắk Mai... thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Hiện Bình Phước đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách vào năm 2025 và bốn triệu lượt khách vào năm 2030; qua đó góp phần vực dậy nền kinh tế, từng bước hiện thực hóa các nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch địa phương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Mạc Ðình Huấn, để đạt được con số trên, ngoài việc đầu tư đúng mức, Bình Phước cần tích cực đẩy mạnh đổi mới công tác quảng bá du lịch để đưa hình ảnh về mảnh đất, con người, văn hóa, tiềm năng và thế mạnh ngành du lịch địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bình Phước cũng cần có chiến lược quảng bá du lịch trọng tâm, trọng điểm như tập trung phối hợp quảng bá du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch lịch sử; vào dịp hè quảng bá du lịch sinh thái trải nghiệm... vào thời điểm đầu năm. Riêng ngành Tuyên giáo Bình Phước ngoài việc phối hợp các cơ quan tham mưu xây dựng nét đẹp văn hóa con người Bình Phước để tạo sức hút phát triển ngành du lịch, còn đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá văn hóa Bình Phước đến với mọi người dân trong cả nước thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó, tập trung vào hình ảnh con người Bình Phước nghĩa tình, cảnh sắc thiên nhiên trong lành, ẩm thực phong phú và khác biệt.

Già làng Ðiểu Lên kể: “Thông thường thì người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau. Nhưng vào những năm địch càn quét gắt gao, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, bộ đội đang thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, với tinh thần yêu nước, một lòng theo Ðảng, theo cách mạng, đồng bào X’tiêng ở sóc Bom Bo đã đưa ra khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già trẻ, gái trai đồng lòng, đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến”. Hiện nay, quê hương của già Lên được tỉnh đầu tư xây dựng trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn.

Cùng với sóc Bom Bo, tỉnh Bình Phước còn có sáu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bốn di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia... cùng nhiều điểm đến hấp dẫn khác như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Ðắk Mai... thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Hiện Bình Phước đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách vào năm 2025 và bốn triệu lượt khách vào năm 2030; qua đó góp phần vực dậy nền kinh tế, từng bước hiện thực hóa các nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch địa phương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Mạc Ðình Huấn, để đạt được con số trên, ngoài việc đầu tư đúng mức, Bình Phước cần tích cực đẩy mạnh đổi mới công tác quảng bá du lịch để đưa hình ảnh về mảnh đất, con người, văn hóa, tiềm năng và thế mạnh ngành du lịch địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bình Phước cũng cần có chiến lược quảng bá du lịch trọng tâm, trọng điểm như tập trung phối hợp quảng bá du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch lịch sử; vào dịp hè quảng bá du lịch sinh thái trải nghiệm... vào thời điểm đầu năm. Riêng ngành Tuyên giáo Bình Phước ngoài việc phối hợp các cơ quan tham mưu xây dựng nét đẹp văn hóa con người Bình Phước để tạo sức hút phát triển ngành du lịch, còn đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá văn hóa Bình Phước đến với mọi người dân trong cả nước thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trong đó, tập trung vào hình ảnh con người Bình Phước nghĩa tình, cảnh sắc thiên nhiên trong lành, ẩm thực phong phú và khác biệt.

Nhất Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 15/8/2024

Cùng chuyên mục