Non nước Việt Nam

Bình Gia (Lạng Sơn) phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 31/12/2020 08:50:35
Số lần đọc: 1380
Là vùng đất có bề dày lịch sử – văn hóa, với nhiều di tích, danh thắng cùng hệ thống di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đa dạng, Bình Gia đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm qua, chính quyền, ngành chức năng của huyện đã và đang có nhiều giải pháp chú trọng phát huy giá trị DSVH dân tộc gắn với phát triển du lịch. Từ đó, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch của huyện, dần xây dựng được hình ảnh trong lòng du khách gần xa.

Bình Gia là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 75 km theo quốc lộ 1B. Theo các tài liệu lịch sử, vùng đất này xưa thuộc châu Văn Quan và châu Văn Uyên. Hiện nay, huyện Bình Gia có tổng diện tích 1.025,96 km2, gồm 18 xã và 1 thị trấn với dân số gần 53.000 người thuộc 5 dân tộc (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa). Điều đặc biệt, Bình Gia có hệ thống hang động, thung lũng, đèo phong phú, đẹp, kỳ vỹ như: hang Thẩm Khoách, ngườm Moóc, thung lũng Trầm Ải, đèo Khau Ra, Khau Hương,…

Thành viên Ban Quản lý đền Trần Hưng Đạo, thị trấn Bình Gia dọn dẹp ban thờ phục vụ khách đặt lễ

Cùng với đó, toàn huyện hiện có 22 điểm, khu di tích, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia (Thẩm Hai, Thẩm Khuyên, Kéo Lèng) và 10 di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện có 73 câu lạc bộ bảo tồn dân ca (then, sli, lượn,…), đội múa sư tử với trên 550 thành viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, Bình Gia có 82 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Phài Lừa – Văn Mịch (xã Hồng Phong) là DSVH phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là nguồn tài nguyên văn hoá phong phú, chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch của huyện.

Xác định DSVH là nền tảng cốt lõi phục vụ phát triển du lịch, những năm qua, chính quyền huyện Bình Gia đã có nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể, năm 2018, UBND huyện đã xây dựng và đưa vào khai thác làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Mông Ân, đồng thời, UBND huyện hỗ trợ 100 triệu đồng  cho các hộ dân làm du lịch tại đây đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và tỉnh Sơn La. Năm 2019, UBND huyện đã ban hành đề án “Phát triển du lịch huyện Bình Gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện đã bước đầu xây dựng được 4 tuyến du lịch trong huyện (tuyến Bình Gia – Văn Mịch – đèo Khau Hương theo tỉnh lộ 226; tuyến Bình Gia – Thiện Thuật, Thiện Hòa (núi Nàng Tiên) theo quốc lộ 279; tuyến Bình Gia – Tân Văn theo quốc lộ 1B; tuyến du lịch đường sông trên sông Bắc Giang: bến đò Văn Mịch – Hồng Phong, đình ông – đình bà, đình thờ chàng Rắn); 3 tuyến liên huyện (Bình Gia – thành phố Lạng Sơn – Bình Gia; Bình Gia – thị trấn Bắc Sơn – Bình Gia; thị trấn Bình Gia – thị trấn Văn Quan – thị trấn Chi Lăng). Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin, tuyên truyền  lồng ghép về DSVH qua các cuộc họp thôn, khối phố được 120 cuộc thu hút hơn 7.200 lượt người tham gia; qua hệ thống truyền thanh và trang thông tin điện tử của huyện được 15 tin, bài, văn bản nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về gìn giữ, bảo tồn và phát huy DSVH.

Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham gia trưng bày, quảng bá tiềm năng du lịch và giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng của huyện tại Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn, hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc,…

Đến nay, du lịch Bình Gia đã dần có sự tăng trưởng về lượng khách và dần khẳng định được vị trí trong lòng du khách.

Chị Vũ Thị My, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, khách du lịch tại thị trấn Bình Gia cho biết: Tìm hiểu trên mạng, tôi biết đến Bình Gia từ lâu, song cuối năm này, tôi mới có dịp đến đây. Tôi thấy phong cảnh ở đây rất đẹp, cuốn hút. Tôi đã ghé thăm thác Đăng Mò và một số di tích khảo cổ nổi tiếng khác. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại và tìm đến các làng du lịch cộng đồng để trải nghiệm.

Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Gia cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện  những giải pháp cụ thể, thiết thực đưa DSVH thành tài nguyên du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện quan tâm, đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền huyện, việc phát huy DSVH gắn với phát triển du lịch của Bình Gia đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Tin tưởng rằng, thời gian tới, cùng với các huyện khác trong tỉnh, Bình Gia sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch của mảnh đất Xứ Lạng.

Năm 2020, lượng khách đến Bình Gia đạt 9.100 lượt, tăng 1.100 lượt, so với năm 2019. Trong đó có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế, tăng 500 lượt so với năm 2019, còn lại là khách nội địa. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 600 triệu đồng, tăng khoảng 250 triệu đồng so với năm 2019.

ĐỨC TÂM
Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT