Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng Đất Tổ

Cập nhật: 16/11/2020 08:11:21
Số lần đọc: 732
Phú Thọ là đất phát tích cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Với địa thế vùng trung du có sông, núi, gò đồi, ruộng rộc lại có hai bên tả hữu là 2 dòng sông Hồng và sông Lô; hai dãy núi Tam Đảo, Ba Vì bao quanh tạo nên bức tranh “sơn chầu, thủy tụ”. Nơi đây, các Vua Hùng đã lập nên quốc gia Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, vùng đất Tổ chứa đựng nhiều di sản văn hóa có giá trị được gìn giữ và phát huy, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trình diễn Hát Xoan 3 thế hệ tại Liên hoan Hát Xoan thanh thiếu nhi thành phố Việt Trì, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ

Toàn tỉnh hiện có 318 di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng là di tích đặc biệt Quốc gia; 73 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 244 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Về di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh ta có 314 lễ hội, trong đó có 311 lễ hội dân gian và 3 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch. Hầu hết các lễ hội dân gian được diễn ra ở các làng xã vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Đặc biệt, Phú Thọ có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Những di sản văn hoá đã được phát huy giá trị và tạo thành động lực tinh thần to lớn làm nên sức mạnh thần kỳ để dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lăng của giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước.

Cùng với di sản văn hoá phi vật thể là các lễ hội truyền thống, văn hoá dân gian phong tục, tập quán, các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá vùng Đất Tổ, những di sản văn hoá vật thể là các di chỉ khảo cổ, hay các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo là các di tích lịch sử văn hoá Đình, Đền, Chùa đã là những minh chứng lịch sử vô cùng phong phú, sinh động, xác thực nhất gắn liền với thời kỳ lịch sử dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng. Phú Thọ tự hào có khu di tích lịch sử Đền Hùng là di tích đặc biệt của quốc gia và Lễ hội Đền Hùng- Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lâu đời nhất, quy mô nhất trong hệ thống tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của dân tộc Việt Nam thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm cùng với lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ với quy mô hoạt động lễ hội trải dài từ thành phố Việt Trì đến Trung tâm lễ hội Đền Hùng và các huyện lân cận: Phù Ninh, Lâm Thao. Đặc biệt, các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh Hùng Vương không chỉ ở Phú Thọ mà ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng và trở thành thông lệ văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam hướng về nguồn cội. Cùng với phần lễ trang nghiêm, thành kính, phần hội có nhiều hoạt động: Rước kiệu truyền thống các xã vùng ven di tích, lễ hội đường phố với chủ đề “Văn hoá Đất Tổ Hùng Vương - Hội tụ và toả sáng” trình diễn các diễn xướng dân gian các dân tộc trên địa bàn tỉnh; hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy liên tỉnh; triển lãm ảnh với chủ đề: “Tín ngưỡng Hùng Vương trong đời sống văn hoá cộng đồng”; nhiều hoạt động thể thao đương đại: Giải bóng chuyền, giải quần vợt, thi bơi chải trên công viên Văn Lang, sông Lô, thi đấu cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, thi bóng chuyền nam của tỉnh,... đã trở thành những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng trên quê hương Đất Tổ. Cùng với Lễ hội Đền Hùng, trên địa bàn tỉnh có 326 di tích liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ tự vợ, con cùng các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Tại các địa điểm có di tích, hàng năm nhất là vào dịp xuân về đã diễn ra các hoạt động tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân gian rất đa dạng, phong phú như các lễ hội, diễn xướng dân gian, trình diễn các làn điệu dân ca Xoan, Ghẹo; các điệu múa, trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công của các làng thủ công truyền thống và các hoạt động thể thao dân tộc truyền thống nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Diễn xướng dân gian của đồng bào Mường (Thanh Sơn).

 

Nhiều thế kỷ nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa và trở thành điểm tựa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã là biểu trưng đặc sắc về bản sắc và sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống văn hoá của cộng đồng nhằm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, giúp mỗi người dân nhận biết được giá trị tinh thần to lớn của di sản văn hoá để từ đó có ý thức trân trọng, giữ gìn giá trị văn hoá vùng Đất Tổ, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, để Phú Thọ trở thành điểm hội tụ văn hoá truyền thống, điểm du lịch tâm linh của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ, trong thời gian tới cần không ngừng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo và phục dựng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phát huy vai trò chủ thể và năng lực sáng tạo giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự kết nối giữa hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản nhằm nâng cao nhận thức, tạo sức lan tỏa của giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng dân tộc Việt cũng như trên trường quốc tế. Đẩy mạnh gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá với các tua, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

HUYỀN NGA - ĐẶNG THUẬN

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT