Hoạt động của ngành

Bình Dương: Nhiều giải pháp hỗ trợ làng nghề phát triển

Cập nhật: 02/07/2020 14:05:10
Số lần đọc: 1718
Bình Dương có khá nhiều nghề, làng nghề (LN) truyền thống nổi tiếng như gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc... LN là nhân tố quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít các LN đang dần mai một, hoạt động cầm chừng.

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đang được thụ hưởng những chính sách bảo tồn và phát huy của tỉnh

 Thực trạng

Các LN trên địa bàn tỉnh có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển theo cơ chế thị trường, nhiều LN không bắt kịp, dần mất đi thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến việc người làm nghề chỉ làm vì đam mê, làm vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà không tính đến chuyện mở rộng quy mô hay cải tiến mặt hàng truyền thống để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, việc giảm sút về quy mô hoạt động của các LN là do thu nhập không cao, không còn là sự lựa chọn của phần lớn người dân nông thôn trong độ tuổi lao động.

LN sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo số liệu thống kê, năm 2001 LN có gần 2.000 hộ tham gia sản xuất với gần 4.000 lao động, hiện chỉ còn vài chục cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương. Ông Trương Quan Tịnh chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề sơn mài này đã mấy chục năm. Nghề sơn mài đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Song, bây giờ tôi nhận thấy thế hệ trẻ hiện nay không còn đam mê với nghề này nữa. Bởi, làm nghề này bỏ ra nhiều công sức nhưng thu nhập thấp. Riêng tôi vẫn cố gắng làm để giữ cái nghề mà cha ông truyền lại”.

Ngoài ra, do tác động của thị trường, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, việc quy hoạch đô thị, mở rộng các khu công nghiệp… nên các LN truyền thống ở Bình Dương đang có chiều hướng bị thu hẹp sản xuất. Đơn cử như LN truyền thống mây tre đan ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, vào thời hưng thịnh có hơn 50 hộ tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10 hộ. Trên địa bàn TP.Thuận An do thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị và triển khai di chuyển các ngành nghề ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nghề truyền thống gốm sứ, heo đất cũng thu hẹp dần…

Bên cạnh đó, sản xuất LN còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Từ đó việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng công nghiệp.

 Để LN sơn mài không bị mai một, tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ cho LN sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, như hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển LN sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường… Nhằm tôn vinh và quảng bá, tạo cơ hội cho LN tiếp tục phát triển, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển LN sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn Thủ Dầu Một và các vùng lân cận. Theo đó, đề án tập trung các nội dung: Xây dựng các dự án và các giải pháp chi tiết về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp các hoạt động phong phú, đa dạng ngành du lịch; hỗ trợ tạo sự gắn kết, liên kết giữa các cơ sở sản xuất, tổ chức điều tra thực tế hiện trạng hoạt động sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, đầu tư thiết bị mới bảo đảm môi trường khi sản xuất, phối hợp đào tạo dạy nghề để có nguồn lao động đang thiếu hụt giúp sản xuất ổn định và duy trì tạo được chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống kinh tế khu vực LN nói riêng, thành phố nói chung.

Cần bảo tồn và phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 47 loại ngành nghề nông thôn phân làm 7 nhóm ngành nghề. Sản phẩm các LN truyền thống nổi tiếng như: Gốm, sơn mài, chạm khắc, đan lát… không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Hiện các làng nghề truyền thống vẫn hoạt động và duy trì được hiệu quả ở Bình Dương là LN sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Tân Phước Khánh, điêu khắc - chạm gỗ An Thạnh, Phú Thọ, heo đất Lái Thiêu …

Để bảo tồn và phát huy các LN và nghề truyền thống, tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể như xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Theo đó, đối với những nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, trong điều kiện diện tích đất phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngày càng thu hẹp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất sản xuất nguyên liệu. Các LN nên ký kết hợp đồng với đối tác, trong đóràng buộc những điều khoản cụ thể, rõ ràng để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và giá cả.

Đồng thời, các LN cần kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm truyền thống nhưng phải tinh xảo, hiện đại mang tính thương mại cao. Song song với việc bảo tồn cần phải tập trung khôi phục, phát triển các nghề và LN có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động nhằm góp phần tích cực giải quyết lao động tại địa phương.

Việc phát triển du lịch gắn với LN truyền thống góp phần bảo tồn và phát triển LN truyền thống một cách bền vững. Đây là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm LN truyền thống mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi LN ở Bình Dương.

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, điêu khắc Bình Dương, chủ doanh nghiệp Sơn mài Tư Bốn:

Hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nhiều mặt như môi trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Để duy trì và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cần thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra; có những chính sách ưu đãi riêng để doanh nghiệp phát triển sản xuất, thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Ông Trương Quan Tịnh, chủ doanh nghiệp Sơn mài Định Hòa:

Muốn bảo tồn và phát triển làng nghề cần đào tạo lực lượng kế cận, những người trẻ yêu nghề. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút học viên đăng ký học nghề vẽ tranh sơn mài tại trường Trung cấp Mỹ thuật tỉnh; có khu trưng bày sản phẩm sơn mài tại các khu làm việc của cơ quan Nhà nước để thu hút khách hàng…

 THOẠI PHƯƠNG

 

Nguồn: baobinhduong.vn

Cùng chuyên mục