Hoạt động của ngành

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Bạc Liêu: Khi luật vào cuộc sống

Cập nhật: 06/10/2021 05:11:18
Số lần đọc: 913
Đại dịch Covid-19 kéo dài nên việc thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa, nhất là công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực để hiện thực hóa những quy định, mục tiêu của Luật Di sản văn hóa, góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng.  


Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân) được đầu tư trùng tu nhiều hạng mục trong năm 2021.

Trân trọng, bảo vệ di sản văn hóa

Kể từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực vào năm 2002, UBND tỉnh đã giao Sở VHTTTTDL và các ngành, địa phương khẩn trương đưa luật vào cuộc sống. Thông qua các hội nghị triển khai, quán triệt, tổ chức tập huấn, tuyên truyền trong cán bộ phụ trách văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan báo chí mở nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đối với di sản văn hóa vật thể, tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 54 di tích được xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với việc xếp hạng, hàng năm các ngành chức năng đều thành lập đoàn đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng ở các di tích để xin chủ trương, kinh phí trùng tu, tôn tạo nhằm phục hồi giá trị cho các di tích có hiện tượng xuống cấp.

Là vùng đất hội tụ và giao thoa của 3 dòng văn hóa Kinh - Khmer - Hoa, vì vậy không quá bất ngờ khi Bạc Liêu sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Đã qua, tỉnh lập hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa phi vật thể gồm: Hò chèo ghe, Nói thơ Bạc Liêu, nghệ thuật múa Rôm-vông, chữ Khmer trên lá Buông và bản “Dạ cổ hoài lang”. Đặc biệt năm 2020, Nghề làm muối truyền thống ở Bạc Liêu được Bộ VHTTDL vinh danh khi đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Song song với công tác bảo tồn, tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt việc phát huy giá trị di sản văn hóa. Nếu như di sản văn hóa vật thể được phát huy thông qua hình thức gắn với phát triển du lịch, giáo dục truyền thống lịch sử thì các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng lan tỏa trong cộng đồng nhờ các hoạt động truyền nghề, tôn vinh nghệ nhân.

Nghề làm muối Bạc Liêu được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020. Ảnh: H.T

Huy động nguồn lực đầu tư

Trong sự nỗ lực đưa Luật Di sản văn hóa vào cuộc sống, các cấp, các ngành cũng không tránh khỏi những vướng mắc do Bộ VHTTDL chưa có quy định về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, chưa có chính sách bảo tồn những di sản đang được kiểm kê nhưng chưa đủ tiêu chí lập hồ sơ khoa học. Đặc biệt, nguồn nhân lực còn hạn chế số lượng, chưa có sự đồng đều về chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý di sản giữa các địa phương; nguồn kinh phí không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và những năm sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục vận động các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động tu bổ các di tích xuống cấp. Đồng thời, xây dựng cơ chế thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa để tăng cường nguồn lực thực hiện Luật Di sản văn hóa, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường vận động các hợp tác xã, người dân tích cực giữ gìn những làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh, nhất là làng nghề làm muối ở các huyện ven biển. Thông qua đó, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch, điểm tham quan hấp dẫn để kết nối những tua, tuyến mới phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Bạc Liêu trong trạng thái bình thường mới.

Hữu Thọ

 

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục