Non nước Việt Nam

Người Cơ Tu gìn giữ sắc màu thổ cẩm

Cập nhật: 07/04/2020 08:17:43
Số lần đọc: 1117
Mỗi tối, khi núi rừng dần tĩnh lặng, những tiếng lách cách lại vang lên trong các gia đình người Cơ Tu ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).  


Chị Đinh Thị Tin (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) tự dệt và may quần áo truyền thống cho bản thân và gia đình. 

Đó là tiếng dệt vải của các chị em trong Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc, những người tiên phong gìn giữ nghề dệt vải thổ cẩm của cha ông sau thời gian dài bị mai một.

Học lại nghề của cha ông

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chị Đinh Thị Tin ngồi cần mẫn dệt từng sợi chỉ, các hoa văn thổ cẩm sặc sỡ nổi lên trên nền vải đen truyền thống. Khung cửi với những thanh gỗ dài, nhẵn, to nhỏ khác nhau, căng sẵn các sợi chỉ. Gọi là khung cửi, nhưng không hề có khung, các thanh gỗ được cố định bằng chính đôi chân của người dệt. Chị Tin ngồi trên sàn nhà, mắt chăm chú, lưng thẳng, chân duỗi dài cố định bộ khung cửi, đôi tay nhanh thoăn thoắt dệt vải.

Theo chị Tin, dệt vải thổ cẩm không hề dễ dàng, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên là phải chọn màu và cuốn từng loại chỉ thành các cuộn tròn to, phải làm bằng tay và cuốn theo đúng cách để chỉ không bị rối khi dệt. Sau đó căng từng sợi chỉ lên các thanh gỗ của khung cửi, tùy theo loại hoa văn khác nhau sẽ có cách ghép màu chỉ khác nhau. Cuối cùng mới đến công đoạn dệt từng sợi chỉ để thành tấm vải. Trung bình phải mất từ 10 - 15 ngày mới dệt xong một mảnh vải. Tuy ngồi nhiều cũng có lúc thấy đau lưng, nhưng chị không hề thấy nản, mà còn rất hứng thú với công việc.

“Đây là mảnh vải mình dành may áo cho chồng, trước đó mình cũng đã dệt 2 mảnh vải dài để may váy cho mình và cô con gái. Cứ lúc nào không phải làm vườn, lên rẫy là mình lại ngồi dệt vải, càng dệt càng thấy yêu thích từng đường chỉ, từng nét hoa văn. Hồi nhỏ mình đã rất thích những chiếc váy thổ cẩm truyền thống từ thời ông bà, cha mẹ. Nhưng sau đó trong làng không còn ai biết dệt nữa, nên đến bây giờ được học lại mình rất vui” - chị Tin chia sẻ.

Chị Đinh Thị Tin là một trong 20 phụ nữ tiên phong tham gia Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc, được thành lập năm 2018. Các chị được UBND xã đưa đi tham quan, học tập tại 2 tổ dệt ở huyện Đông Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Sau đó, các chị em trong Tổ lại được chính quyền hỗ trợ, mời các nghệ nhân về truyền lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong 3 tháng. Tháng 6/2019, Tổ dệt thổ cẩm tiếp tục cử 5 chị em đi học nghề may, để may các sản phẩm từ vải thổ cẩm. Đến nay, tất cả chị em trong Tổ dệt thổ cẩm đều đã dệt thành thạo các hoa văn đơn giản và đang tiếp tục học hỏi nâng kỹ thuật, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu ở Hòa Bắc đang dần khôi phục.

Tìm “đầu ra” cho sản phẩm thủ công truyền thống

Dù rất tâm huyết với nghề dệt của cha ông, nhưng các chị em phụ nữ trong Tổ dệt thổ cẩm vẫn chưa có nguồn thu nhập ổn định từ nghề thủ công truyền thống này. Chị Trần Thị Một, Tổ phó Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc cho biết: Nghề này mất rất nhiều thời gian, để dệt may được một cái váy dài có khi mất cả tháng trời, tính ra ngày công phải vài triệu mới đủ. Nhưng không thể bán ra thị trường với giá đó, giá đắt quá sẽ không có ai mua được. Hiện giờ các chị em bán một cái khăn quàng giá 500.000 ngàn, áo khoác ngắn của nam giá 400.000 ngàn, váy dài nữ giá 1 triệu đồng nhưng vẫn còn đắt hơn nhiều so với vải thổ cẩm dệt công nghiệp. Sắp tới, các chị em trong Tổ sẽ phát triển thêm nhiều mặt hàng để phục vụ du khách như túi xách, quà lưu niệm... Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc rất cần các cấp chính quyền hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho chị em yên tâm sản xuất.

Trong năm 2019, Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc đã hoàn thành 2 đơn hàng lớn là 61 cặp học sinh bằng vải thổ cẩm cho một trường học đặt mua; 30 tấm rèm che phòng cho homestay của anh Đinh Văn Như (cũng trong thôn Giàn Bí). Còn lại, chủ yếu các chị em tự dệt vải và may quần áo truyền thống phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình.

Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, những năm qua, địa phương rất nỗ lực khôi phục văn hóa cổ truyền và phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào Cơ Tu. Hiện nay đồng bào dân tộc Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí có 226 hộ với 773 nhân khẩu. Đồng bào rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương, phát huy mọi nguồn lực, vận dụng tốt các chính sách kinh tế của Nhà nước để phát triển. Đồng bào đã tích cực, hăng hái trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Dự án GEF hỗ trợ vốn không lãi để các hộ thực hiện sinh kế đang trong giai đoạn khôi phục nghề dệt, phục vụ bảo tồn văn hóa đồng bào và phát triển du lịch cộng đồng.

Sau khi dạy lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho đồng bào, các cấp chính quyền đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm như: giới thiệu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu tại Ngày hội Khởi nghiệp - sáng tạo Đà Nẵng năm 2019, tham gia gian hàng tại Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2020, mở các gian hàng tại các Lễ hội ở bảo tàng Đà Nẵng, thành phố Hội An (Quảng Nam)...

“Nhưng để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho đồng bào, vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, và sự phối hợp tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết thêm.

 

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT