Hoạt động của ngành

Bắc Kạn: Bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 26/08/2020 09:14:10
Số lần đọc: 1411
Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua mô hình du lịch cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Ở tỉnh Bắc Kạn, công tác này dù đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục trong những năm tới.


Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc là nguồn tài nguyên quan trọng giúp du lịch phát triển.

Thực tế cho thấy, di sản văn hoá (di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội, phong tục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ…) và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động du lịch nói riêng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt và chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch. Ngược lại, du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của di sản văn hoá và tham gia vào hoạt động bảo tồn của chính những giá trị của di sản văn hoá.

Tính đến năm 2019, toàn tỉnh Bắc Kạn có 175 di tích, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 36 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hầu hết các di tích được xếp hạng đều là những địa điểm liên quan đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khu ATK Chợ Đồn; Khu di tích lịch sử Nà Tu, hay đồn Phủ Thông – Bạch Thông…). Về danh lam thắng cảnh phải kể đến quần thể Vườn Quốc gia Ba Bể, với các danh thắng như: Hồ Ba Bể, Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, động Puông, động Hua Mạ, hang Thẳm Phầy…; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì); thác Bạc, động Áng Toòng (thành phố Bắc Kạn). Về hệ thống đền, chùa gồm: Đền Thắm, chùa Thạch Long (Chợ Mới); đền Thác Giềng, đền Cô, đền Mẫu (thành phố Bắc Kạn); chùa phố cũ, đền An Mã (Ba Bể)…

Về lễ hội tiêu biểu, thu hút được đông đảo du khách và người dân tham gia, gồm: Lễ hội Lồng Tồng xã Hà Vị, Lễ hội Lồng Tồng thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông); Lễ hội Lồng Tồng xã Bằng Vân (Ngân Sơn); Lễ hội Mù Là ở xã Cổ Linh (Pác Nặm); Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể (Ba Bể); Hội chợ văn hóa truyền thống xã Xuân Dương (Na Rì)… Ngoài ra, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh còn có các phong tục tập quán, nếp sống truyền thống, lễ nghi, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục, kiến trúc nhà ở rất phong phú, độc đáo và đa dạng.

Xét trên khía cạnh là dạng tài nguyên du lịch thì tất cả di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội, phong tục truyền thống… kể trên đều có thể khai thác để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh. Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch (Như: Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/4/2012 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về định hướng phát triển về du lịch đến năm 2020; Nghị quyết số 92/2014/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới), các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tăng cường các hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; kêu gọi đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch... đem lại nhiều kết quả, chuyển biến trong hoạt động du lịch của tỉnh và tác động tích cực trở lại đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chưa đầu tư và khai thác có hiệu quả các điểm đến để phục vụ khách du lịch; thiếu các tuor du lịch tâm linh hoặc du lịch gắn với di tích lịch sử, lễ hội dân gian truyền thống. Đồng thời, hoạt động du lịch chưa tương xứng với việc góp phần vào bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị di sản văn hóa dân tộc của Bắc Kạn với du khách trong và ngoài nước.


Vẻ đẹp tự nhiên của thắng cảnh hồ Ba Bể và nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân vùng hồ luôn hấp dẫn đối với khách du lịch.

Thực hiện chủ trương của Trung ương về phát triển du lịch trong thời kỳ mới, ngày 21/12/2016, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hoạt động du lịch của tỉnh được định hướng phát triển theo 04 cụm, đó là: Cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận; cụm du lịch Ba Bể và phụ cận; cụm du lịch ATK Chợ Đồn và phụ cận; cụm du lịch Na Rì và phụ cận. Mục tiêu đặt ra là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Tuy nhiên, từ những thực trạng, khó khăn và hạn chế như đã nêu ở trên, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch được triển khai có hiệu quả, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống văn hóa, thể thao cấp tỉnh (Bảo tàng, rạp chiếu phim, sân vận động…) để đăng cai tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cấp khu vực và toàn quốc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Bắc Kạn. Dựa vào sự đa dạng của di sản văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch được thể hiện ở các yếu tố như: Văn hóa “ở”; trang phục truyền thống; phong tục, tập quán, lễ hội, nghệ thuật trình diễn và âm nhạc, tri thức dân gian; di tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh…

Do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hoá cao, vì vậy, hoạt động phát triển du lịch cần có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội. Bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử trong phát triển du lịch cần phải được thực hiện ngay chính trong đời sống cộng đồng, lấy bảo vệ chỉnh thể làm nguyên tắc, trong đó cần chú ý đến bảo vệ chỉnh thể đối với môi trường văn hóa sinh thái truyền thống. Bởi, nếu đem di sản văn hóa tách ra khỏi môi trường văn hóa và bối cảnh xã hội của nó, làm thay đổi môi trường nhân văn theo ý muốn chủ quan hoặc đưa những người kế thừa ra khỏi nơi họ đang sinh sống, chắc chắn sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực đối với các nghệ nhân, những người lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững./.

Hoàng Vũ

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục