Non nước Việt Nam

Ai về chùa Keo...

Cập nhật: 12/06/2023 15:05:37
Số lần đọc: 658
Qua gần 400 năm tồn tại, chùa Keo vẫn là một công trình Phật giáo gần như nguyên vẹn với kiến trúc độc đáo. Đây là một di sản quý, niềm tự hào của người dân quê lúa Thái Bình và là điểm hành hương không dễ bỏ qua trong hành trình du lịch tâm linh vùng Châu thổ sông Hồng.

 
Chùa Keo giữ gìn gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ.

Tuyệt tác kiến trúc cổ

Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang tự, nằm ở xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), cách thành phố Thái Bình khoảng 15km về hướng tây nam, là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Bắc Bộ và cả nước.

Theo sử sách và văn bia lưu giữ tại chùa Keo, chùa được dựng bởi thiền sư Không Lộ vào năm 1061 ở ven sông Hồng, thuộc hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Nam Trực và Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, tới năm 1167 đổi thành Thần Quang tự. Vì làng Giao Thủy có tên nôm là Keo nên gọi là chùa Keo. Thiền sư Không Lộ là một đại sư của Phật giáo Việt Nam thời Lý, được phong là Quốc sư, cũng là một danh y tài ba và là nhà thơ lớn đương thời.

Sau hơn 500 năm tồn tại, đến năm 1611, đê sông Hồng bị sạt lở, chùa bị lũ lụt làm đổ. Nửa làng Giao Thủy phiêu dạt sang tả ngạn sông Hồng lập nên làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và dựng ngôi chùa mới. Chùa được xây dựng năm 1630, đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632) thì hoàn thành. Tổng thể chùa Keo thời đó gồm 21 công trình với 157 gian trên khu đất rộng 58.000m2. Qua biến thiên lịch sử, ngày nay, chùa còn 17 công trình với 128 gian, phân bố trên diện tích 2.022m2.

Chùa Keo quay hướng nam, có bố cục kiểu “nội nhị công, ngoại nhất quốc” không thấy ở công trình nào khác. Mặt bằng được bố trí đối xứng qua một trục thần đạo với nhiều hạng mục công trình và nhiều lớp không gian. Từ ngoài vào là tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội, sân chùa, chùa Phật, điện Thánh, sau cùng là tháp chuông và nhà tổ, nhà trai.

Khu chùa Phật có 3 công trình: Chùa Hộ, ống muống và tòa Phật điện. Tất cả được bố cục theo kiểu chữ “công”. Ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ tát Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Toàn bộ khu thờ Phật của chùa Keo có gần 100 pho tượng.

Sau khu thờ Phật là khu thờ Thánh - Lý Triều Quốc sư Không Lộ. Đây là quần thể kiến trúc gồm 4 tòa giá roi, thiêu hương, phục quốc và thượng điện. Phía cuối là gác chuông - một tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người xưa, có kiến trúc kiểu chồng diêm gồm 3 tầng, 12 mái, cao 11m. Đáng chú ý là kết cấu bộ vì kèo và các đấu củng vừa là phần chịu lực, vừa để trang trí. Phần cổ diêm là hệ thống chấn song được trang trí họa tiết hoa văn phong phú như rồng mây, hoa lá cách điệu.

Chùa Keo hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như tượng Thiền sư Không Lộ bằng gỗ trầm ngót nghìn năm tuổi, các bộ tượng Phật từ thế kỷ XVII - XVIII, đôi chân đèn thời Mạc, bộ thuyền rồng, bộ nhạc khí, 2 quả chuông đồng, 3 tấm bia đá thời Lê… Đặc biệt, hương án gỗ thời Lê Trung hưng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Độc đáo lễ hội chùa Keo

Mỗi năm, chùa Keo có 2 dịp lễ hội theo lệ “xuân thu nhị kỳ”. Hội Xuân diễn ra vào mồng 4 tháng Giêng và hội Thu diễn ra từ ngày 13 - 15 tháng Chín. Ở lễ hội Xuân, ngoài các nghi thức lễ Phật, lễ thánh còn bao gồm những cuộc đua tài gắn với hoạt động của cư dân nông nghiệp như thi bắt vịt, nấu cơm. Trò thi nấu cơm trong hội chùa Keo vô cùng hấp dẫn với sự tham gia của cả làng để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa. Lễ hội mùa Thu là chính hội, vừa mang tính chất hội lễ nông nghiệp, giải trí, vừa mang dấu ấn lịch sử, trong đó có lễ diễn xướng về hành trạng của Quốc sư Không Lộ.

Nổi bật ở phần lễ là nghi lễ rước kiệu đức thánh được tổ chức kỳ công, hoành tráng 3 năm một lần nhằm tái hiện cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua nhà Lý và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều nghi lễ nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và tổ tiên làng, xã. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang thịnh vượng.

Cuối lễ hội có nghi lễ chầu thánh độc đáo chỉ có ở lễ hội chùa Keo. Điệu múa chầu thánh là điệu múa cổ diễn tả bằng điệu chèo chải cạn và điệu ếch vồ. Bên cạnh các nghi lễ là phần hội sôi nổi phản ánh đời sống nông nghiệp thuở xưa của Bắc Bộ nói chung và Thái Bình nói riêng như thi bơi chải, rước thuyền, bắt vịt, thi hát giao duyên, kéo co... Ngoài ra còn có thi diễn xướng về đề tài lục cúng (6 thứ) gồm: Hương, đăng, hoa, trà, quả, thực... thu hút nhiều khách tham quan ở Thái Bình và các vùng phụ cận.

Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, chùa Keo đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; Lễ hội chùa Keo được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Bài và ảnh: Hà Thành

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Đăng ngày 10/06/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT