Thừa Thiên - Huế: Khánh thành Tổ đình Từ Đàm
Tổ đình Từ Đàm do Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung (đời thứ 34 dòng Lâm Tế) khai sơn vào cuối thế kỷ 17 và đặt tên là Ấn Tôn với ý nghĩa lấy sự truyền tâm làm tông chỉ. Năm 1703, Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho Chùa là “Sắc Tứ Ấn Tôn Tự”; đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được đổi tên là “Từ Đàm Tự”, tức đám mây lành, tượng trưng cho Đức Phật, cho ngôi chùa Việt Nam.
Chùa Từ Đàm đã gắn bó thân thiết với đời sống tinh thần người dân xứ Huế nói riêng, với Phật tử cả nước nói chung. Chùa đã được các vị trú trì tiền bối cho trùng tu sửa chữa nhiều lần.
Năm 1951, Tổ đình Từ Đàm là nơi tổ chức hội họp của 51 đại biểu Phật giáo toàn quốc và sáu tập đoàn Tăng già - cư ãi của ba miền Bắc - Trung - Nam thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, vào năm 1963, lịch sử đã chọn nơi này làm khởi điểm cho một phong trào quật khởi, chống kỳ thị tôn giáo, chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Sau hơn 3 năm trùng tu (2007- 2010), Tổ đình Từ Đàm được hoàn thành nhờ sự góp sức của quý cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước với tổng chi phí lên đến 13,5 tỷ đồng.