Hành trình khám phá dấu ấn Đại tướng trên vòng cung du lịch Tây Bắc
Yên Bái: Đèo Lũng Lô
Di tích lịch sử Quốc gia này được nhớ đến với hơn 200 ngày đêm vừa mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khi đạn dược đến nơi an toàn, đèo Lũng Lô đã trở thành con đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Nó gắn với thơ ca và nhạc họa, cùng với những kỷ niệm không thể nào quên về chiến dịch Điện Biên lịch sử. Đó là đèo Lũng Lô, nằm ở ranh giới giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La. Từ một nơi vô danh "đèo heo hút gió", từ câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò chị hát" và một số tác phẩm nghệ thuật mà con đèo này đã được biết đến nhiều. Lũng Lô chứa đựng huyền thoại về những đoàn quân ra mặt trận, những đoàn dân công hỏa tuyến, ngày nay là một điểm du lịch về nguồn và khám phá đầy hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc.
Ngày nay, nếu xuất phát từ thành phố Yên Bái đi tham quan đèo Lũng Lô, bạn chỉ mất có một ngày vừa đi vừa về và có một bữa trưa thú vị ở Thượng Bằng La hoặc Mường Cơi với những món ẩm thực đặc sản. Tới đỉnh đèo lộng gió, bạn sẽ thu vào tầm mắt những thung lũng xanh tươi, những trang trại chăn nuôi đầy bò, dê của đồng bào quanh vùng Thượng Bằng La (Văn Chấn) và Mường Cơi (Phù Yên). Nao nao nhớ những bước chân hào hùng một thuở, phong cảnh và lịch sử con đèo đã đi vào huyền thoại bằng bài hát "Hành quân xa", vào bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", vào bức tranh "Qua đèo Lũng Lô"… làm nên huyền thoại bất tử. Lũng Lô xứng đáng là một địa chỉ du lịch về nguồn và khám phá trên vùng đất Tây Bắc đầy vẻ đẹp của tự nhiên và con người.
Sơn La: Rừng Tướng Giáp + Đèo Pha Đin + Ngã Ba Cò Nòi
Rừng Tướng Giáp hay rừng bản Nhọt là một điểm đến không nên bỏ qua trong vòng cung Tây Bắc.
Ngày 5/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận chỉ huy lên đường đi Tây Bắc theo đường 13 qua Phù Yên. Đoàn đi đến bến Bình Ca, qua đèo Khế, sang đất Phù Yên, đã nghỉ chân tại rừng đèo bản Nhọt, máy bay địch ném bom rất dữ dội gần nơi đóng quân. Khu rừng nguyên sinh đèo bản Nhọt nằm ở trên cao ngút ngàn có một vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 13, là mái che an toàn cho bộ đội cụ Hồ đi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày nay, cánh rừng đèo bản Nhọt vẫn được giữ gìn với nhiều loại gỗ quí đặc trưng cho vùng đất Sơn La như: Lát hoa, Chò chỉ, Sâng lụa,… và hàng chục loài chim quí hiếm. Rừng đoè bản Nhọt là một địa danh minh chứng cho tuyến đường quan trọng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa phận tỉnh Sơn La. Khu rừng đèo bản Nhọt không những chứa đựng giá trị lịch sử của sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn là khu bảo tồn sinh thái tiêu biểu của tỉnh Sơn La.
Điện Biên: Điện Biên Phủ
Tới Điện Biên du khách chủ yếu tìm hiểu, thăm lại chiến trường xưa. Quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ chắc chắn là một trong những lựa chọn đầu tiên trong hành trình khám phá Điện Biên của hầu hết du khách: Hầm Đờ-cát, Đồi A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng)...

Đối với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng, rừng Mường Phăng có một ý nghĩa đặc biệt trong cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt là bởi trong chiến dịch ấy, nơi đây đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm vị trí đặt Sở chỉ huy chiến dịch. Và cũng tại nơi này, Đại tướng đã đưa ra một quyết định, mà như sau này Đại tướng từng nói: Đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân – quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định ấy, cùng với sự chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
