Một số hướng phát triển du lịch Tuyên Quang
Quan tâm đến du lịch tâm linh, nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu
Trong 17 đền có 13 đền thờ Mẫu. Thờ Tam tòa Thánh Mẫu có 7 đền; thờ riêng Mẫu Thượng Ngàn có 7 đền; thờ riêng Mẫu Thoải có 2 đền. Trong khi cả 9 đền này vẫn thờ Tam tòa Thánh Mẫu.
Đạo Mẫu khởi nguồn từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, nhất là lực lượng tự nhiên. Con người nhận ra mối quan hệ sống còn với tự nhiên nên sớm tôn sùng, thờ phụng. Tục thờ ba miền trời, đất, nước ra đời. Xã hội phát triển đến chế độ mẫu hệ, sức mạnh tự nhiên được cho là chi phối bởi các Mẫu. Đạo Mẫu hình thành đầy đủ với Tam tòa gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Đó là tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ.
Đức Thánh Trần, tuy chỉ thờ riêng ở Đền Kiếp Bạc nhưng có tới 9 đền Mẫu khác phối thờ ngài. Có 5 đền Mẫu thờ Phật kiểu “tiền Phật, hậu Mẫu”.
Tuy không có đền thờ, nhưng những vị thần Đạo giáo cũng được phối thờ ở 8 đền Mẫu.
Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có xu thế phổ biến và bền vững; đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn được đề cao; người Việt dễ dàng dung hợp hòa đồng các tín ngưỡng.
Hầu hết đền chùa đều được xây dựng trên địa thế đẹp, nơi có sông ngòi, ao hồ ôm bọc; hoặc có núi non lớp lớp quay đầu, hoặc có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái. Đền, chùa, còn là những di tích lịch sử như: Đền Ghềnh Quýt, Đền Hạ, Chùa Hương Nghiêm. Vãn cảnh đền, chùa cũng là loại hình du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái.
Đặt lên hàng đầu khi khai thác tài nguyên du lịch tâm linh là hình thành phong cách ứng xử văn hóa. Cần tạo nên hình ảnh đẹp không chỉ phong cảnh mà của cả mọi người tham gia làm du lịch với tính chất là một ngành công nghiệp không khói.
Thần tích, thần phả, hiện vật quý hiếm, sơ đồ các ban thờ cần được Ban quản lý các đền in đẹp giới thiệu với du khách. Cần có chỉ dẫn trình tự hành lễ, vừa bảo đảm đúng nghi thức vừa thuận tiện.
Mỗi đền chỉ đặt một hòm công đức, có nêu mục đích sử dụng, hoặc công khai số tiền công đức trong năm trước đó và đã sử dụng như thế nào. Các bức đại tự, hoành phi, câu đối, cần dịch nghĩa. Trường hợp trùng tu phải do người có trình độ chữ Hán viết, không để xảy ra tình trạng viết nguệch ngoạc, thừa thiếu nét làm biến nghĩa, gây phản cảm. Tu sửa, nâng cấp, cơi nới, xây mới đền, chùa đều cần đến các kiến trúc sư, những người am hiểu lịch sử tôn giáo. Tránh để xây lên những kiến trúc lai căng, vô lối, tùy tiện. Nên có sự liên kết các ban quản lý đền trong hiệp hội, hoặc hội đồng nhằm vận động, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện phong cách du lịch văn hóa.
Khai thác tài nguyên du lịch lịch sử theo chiều sâu
Trong kháng chiến, nhằm bảo đảm bí mật, các cơ quan Trung ương đều ở những nơi hẻo lánh, kín đáo, địa hình hiểm trở và cách nhau xa. Mặt khác, do xây dựng bằng những vật liệu kém bền vững, các di vật hầu hết đã hư hại theo thời gian, để lại dấu vết rất ít. Cần nhận rõ hai đặc điểm cũng là hai khó khăn này trong phát triển du lịch lịch sử.
Vì những lý do trên, cần tập trung đầu tư phục dựng có trọng điểm, ưu tiên Tân Trào, di tích Quốc gia đặc biệt.
Bảo tàng Tân Trào xây dựng cách nay gần nửa thế kỷ. Việc đổi mới mạnh mẽ cách làm bảo tàng từ nội dung, đến phong cách trưng bày trở nên cấp thiết nếu muốn tăng lượng khách tham quan. Chẳng hạn, cần thiết và có thể trưng bày chân dung, trích ngang lý lịch của từng đại biểu dự Quốc dân Đại hội; trưng bày ảnh từng ngôi nhà làng Tân Lập mà mỗi đoàn đại biểu đã ở trong những ngày đại hội. Cũng không khó nếu trưng bày toàn cảnh phiên họp với đủ các đại biểu bằng tượng compodit. Bản gốc những tác phẩm văn chương, nghệ thuật sáng tác về Tân Trào cũng cần được trưng bày.
Hướng dẫn viên vẫn thuyết minh với du khách diễn biến sự kiện theo thời gian; không phân tích về ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị đặc biệt của sự kiện. Bảo đảm nguyên tắc giữ gìn, khôi phục tối đa cảnh quan khu di tích cách mạng, kháng chiến.
Thời gian qua, di tích biến dạng khá nhiều do chưa chú trọng trồng cây và làm đường quá sát di tích.
Trong lời của Cụ Hồ dặn về chọn nơi làm việc, có câu: “Gần dân không gần đường”. Nên chăng thiết kế một đoạn đường mòn, độ dài vừa phải, hai bên trồng cây để du khách đi bộ đến điểm di tích. Những đoạn đường như thế vừa tạo không khí chiến khu, vừa giữ môi trường trong lành.
Xưa, trước cửa đền thường có biển đề hai chữ “hạ mã”. Dù nhà vua, đại thần đều phải hạ kiệu, xuống ngựa, nghiêng mình, ngả mũ. Nay để ô tô, xe máy rầm rầm đi lại sát di tích e là làm giảm sự tôn nghiêm, kính cẩn đối với các bậc tiền nhân. Mặt khác, nguyên trạng của di tích bị sai lệch.
Cân nhắc, chuẩn bị kỹ càng một khi mở tua, tuyến du lịch
Tạo điều kiện để người sở tại tham gia làm du lịch
Du lịch chỉ có thể phát triển bền vững một khi không chỉ các công ty mà cả người dân sở tại được hưởng lợi. Đó là động lực khiến người dân sở tại tham gia làm du lịch ngày càng nhiều, càng sâu.
Phía cơ quan quản lý nên đưa ra những ý tưởng. Chẳng hạn, có thể mở dịch vụ di chuyển khách bằng ngựa và xe ngựa; dịch vụ câu cá bằng cách nuôi cá lồng ở Vực Hồ, nơi có tảng đá Cụ Hồ thường ngồi câu. Hoặc mở nhà hàng “Chiến khu”, ở đó có bữa ăn “cháo bẹ rau măng” mà cụ Hồ từng dùng trong những ngày ở lán Nà Nưa. Ngay cả lá cây đa Tân Trào cũng trở thành vật lưu niệm. Hãy lượm những chiếc lá vàng vừa rời cành đem ép, trổ hình cây đa và câu nói của cụ Hồ “Lúc này thời cơ đã đến, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được chính quyền”. Làm các sản phẩm lưu niệm dùng chất liệu tại chỗ đá, gỗ, tre nứa, mây, lá cọ… Măng khô, măng chua, măng ngâm ớt với mác mật, mật ong, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương đều phải là hàng chất lượng tốt, không tồn dư chất bảo quản, bao bì mẫu mã đẹp mang lô gô Tân Trào...
Ngoài ra, nên quảng bá du lịch lịch sử qua các sáng tác văn chương nghệ thuật./.