Bắc Giang bảo tồn gắn với phát triển du lịch bền vững
Nâng cao hiệu quả quản lý di sản
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 2.300 di tích, trong đó có 635 di tích đã được công nhận xếp hạng, nhiều di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Ngoài những giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, những cảnh quan mang vẻ đẹp hoang sơ cổ kính của vùng quê Kinh Bắc xưa, Bắc Giang còn được du khách biết đến với nhiều lễ hội truyền thống mang mầu sắc hiện đại, đa dạng về hình thức, phong phú hấp dẫn về nội dung như: Hội đình, hội đền, hội chùa, hội hát, hội chợ… Lễ hội ở Bắc Giang thường gắn với các di tích lịch sử - văn hóa của làng, của xã, thậm chí của cả một vùng văn hóa rộng lớn như: Lễ hội đình Vồng Tân Yên, lễ hội đền Từ Hả Lục Ngạn, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm Yên Dũng, chùa Bổ Đà Việt Yên; hội hát Soong hao, Sli của dân tộc Nùng Lục Ngạn… và đặc biệt là lễ hội Thổ Hà, lễ hội Yên Thế đã được Bộ VHTTDL quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều này cho thấy những di sản văn hóa của Bắc Giang có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Sỹ Cầm – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: “Di sản văn hóa đã được phát huy và khẳng định vai trò của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Mỗi di tích, danh thắng, lễ hội ở Bắc Giang luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy một cách tích cực hiệu quả, bởi đây chính là tiềm năng và thế mạnh của Bắc Giang trong phát triển du lịch. Mặc dù đã được quan tâm, song việc khai thác các giá trị của di tích ở Bắc Giang vẫn chưa có được kết quả như mong muốn. Ở một số nơi vẫn chưa có sự thống nhất trong công tác quản lý di tích. Chính vì vậy, việc bảo tồn, khai thác giá trị di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch là một vấn đề cần được tiếp tục quan tâm”.
Bởi vậy, vấn đề trọng tâm cần đưa ra là các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích, danh thắng gắn phát triển du lịch một cách bền vững, cũng như những kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác di tích, danh thắng của các địa phương, những thuận lợi và khó khăn vướng mắc cần được giải quyết trong công tác quản lý di tích, danh thắng hiện nay, thực trạng và giải pháp xây dựng thành sản phẩm hấp dẫn du khách…
Giải quyết mối quan hệ bảo tồn và phát triển
Ông Nguyễn Hữu Phương – Giám đốc Ban quản lý di tích (BQLDT) tỉnh Bắc Giang cho biết: “Để quản lý di sản văn hóa hiệu quả, các di tích sau khi được xếp hạng đều thành lập BQLDT cơ sở do Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban… Với mô hình quản lý đó, trong thời gian qua công tác quản lý di sản được thực hiện tốt, tạo thuận lợi cho các hoạt động khai thác, bảo tồn phát huy giá trị di sản”.
Tuy nhiên, hiện nay trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp tham gia quản lý di sản văn hóa tại cấp cơ sở hiện chưa đồng đều, hầu hết làm việc trong chế độ kiêm nhiệm, không có chế độ đãi ngộ. Mô hình thành lập Ban Quản lý di tích trực thuộc UBND huyện còn chưa thống nhất về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến việc phối hợp trong công tác giữa Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, thành phố, BQLDT huyện với BQLDT tỉnh còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất trong hoạt động. Hiện nay, Bộ VHTTDL cũng chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về mô hình, hoạt động của BQLDT các cấp”.
Từ kinh nghiệm thực tế từ một huyện có nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng gắn với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, đại diện Phòng VHTT huyện Yên Thế cho biết, hàng năm, tại các điểm di tích cấp Quốc gia đặc biệt, cấp Bộ, cấp tỉnh, UBND huyện và các xã, thị trấn đã long trọng tổ chức mở hội tại các điểm di tích, thu hút được hàng vạn lượt khách tại địa phương và khách thập phương. Tiêu biểu như lễ hội Yên Thế 16/3 và lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”.
Về định hướng bảo tồn, khai thác di tích, danh thắng trong phát triển du lịch, đại diện lãnh đạo Phòng VHTT huyện Yên Thế đề nghị: Thực hiện tốt việc khảo sát lập quy hoạch, đề án, dự án phát triển sản phẩm du lịch của địa phương. Mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia khảo sát đầu tư phát triển du lịch; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách của Tỉnh, Trung ương và địa phương nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, điểm du lịch.