Non nước Việt Nam

Vẻ đẹp của chùa Tam Chúc, Hà Nam

Cập nhật: 12/02/2019 14:21:17
Số lần đọc: 1386
Huyền ảo như chốn bồng lai là lời ví von về chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng. Không gian du lịch tâm linh này có giá trị nổi bật cả quy mô, kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa.

Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng một số hạng mục đang dần đi vào hoạt động, bắt đầu chào đón khách thập phương về hành hương, tham quan vãn cảnh chùa Tam Chúc.

Thiên nhiên đã khéo tạo nên khung cảnh huyền ảo, non nước hữu tình nơi chùa Tam Chúc tọa lạc. Yếu tố địa lợi có lẽ là điểm nhấn đầu tiên mà chúng ta cảm nhận thấy trên con đường đến với Tam Chúc.

Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt với cảnh quan hùng vĩ, tiền lục nhạn, hậu thất tinh. Mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống; hậu thất tinh là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng vào ban đêm.

Chạy trên con đường quanh co theo một hồ nước rộng lớn, trên một trục chính, điện Quan Âm, điện Pháp chủ, điện Tam thế nổi bật từ triền núi dốc. Điện Tam thế là hạng mục lớn nhất trong các hạng mục của quần thể du lịch Tam chúc Ba Sao. Trong phối cảnh tổng thể chùa Tam Chúc, điện Tam Thế được khởi công xây dựng và hoàn thiện đầu tiên. Chùa lưng tựa núi ngọc, nhìn xuống hồ Tam Chúc tạo nên vị thế vững chãi giữa không gian mênh mông, kỳ vĩ của đất trời, rừng núi.

Vẻ đẹp uy nghiêm, nhưng mềm mại với những đầu đao, các đường nét chạm trổ tinh xảo của ngôi chùa còn cho thấy trình độ nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc bậc thầy. Đặc biệt phải kể đến 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật được những nghệ nhân Indonesia tạc bằng đá núi lửa, sau đó, đưa sang Việt Nam.

Chùa ngày nay được xây dựng trên nền chùa Tam Chúc cổ, có từ thời Đinh, cách đây hơn 1.000 năm. Ngôi chùa dù mới xây nhưng đã mang vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian nhờ cách xử lý vật liệu khắt khe, tinh tế theo lối cổ.

Ví như bức tường với những viên gạch cỡ lớn mộc, thô được đặt từ làng gốm cổ Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội, nơi từng nung lò đúc gạch, xây thành Đại La xưa kia. Vào tháng 5 tới, đây sẽ là nơi diễn ra đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019, dự kiến đón khoảng 15.000 chức sắc Phật giáo, học giả Phật giáo và các Phật tử,du khách từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự./.

 

Nguồn: vtv.vn
Từ khóa: Hà Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT