Non nước Việt Nam

Văn hóa Việt Bắc trong lòng Tây Nguyên

Cập nhật: 06/05/2024 15:57:46
Số lần đọc: 639
Tây Nguyên là nơi hội tụ nhiều thành phần dân tộc nhất cả nước, trong đó có nhiều dân tộc phía Bắc. Các dân tộc phía Bắc di cư vào đây sinh sống đều mang theo bản sắc văn hóa riêng đã tạo nên không gian văn hóa Việt Bắc giữa lòng Tây Nguyên.


Điệu múa còn của dân tộc Thái xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lê Hường

Mùa lễ hội Việt Bắc

Ở Tây Nguyên, mùa lễ hội Việt Bắc diễn ra vào tháng Giêng. Đó là dịp để những người con Việt Bắc được gặp nhau, giao lưu bằng ngôn ngữ đồng điệu, cùng nhau chơi trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống cho thỏa nỗi nhớ quê hương.

Rằm tháng Giêng, chúng tôi đến Lễ hội dân gian Việt Bắc xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, hòa vào dòng người đông đúc giữa trung tâm của lễ hội. Tôi mê mẩn ngắm những nếp váy áo thổ cẩm xúng xính, vui các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn truyền thống, nhảy nhịp nhàng điệu xòe của người Thái và nghe lời then, tiếng đàn tính của người Tày, Nùng...

Xã Ea Tam được ví như một “Việt Bắc thu nhỏ trong lòng Tây Nguyên”, bởi nơi đây hội tụ 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc Tày, Nùng ở phía Bắc.

Hơn 30 năm lập nghiệp, sinh sống trên quê hương mới, đồng bào các dân tộc phía Bắc ở xã Ea Tam vẫn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo. Trong đó, điểm nhấn là Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, hay còn gọi là Chợ tình Ea Tam được tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay, với những nét văn hóa độc đáo riêng biệt mà không phải người Tây Nguyên nào cũng biết. Đó là Lễ cúng Thổ công, Lễ cầu mùa nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà con có một cuộc sống ấm no, đủ đầy; là tài nghệ, sự khéo léo trong nấu rượu men lá, làm bánh chưng, giã bánh giầy, bánh khảo, làm xôi ngũ sắc, quay heo mắc mật...

Nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin cũng có Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc với phần lễ và hội sôi động. Lễ hội là dịp để bà con có cơ hội trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng sau một năm làm lụng vất vả và trai gái gặp gỡ tâm tình, hẹn ước, nên duyên vợ chồng. Những nông dân lam lũ bước lên sân khấu, thể hiện những tiết mục văn hóa đặc sắc của đồng bào mình bằng cả trái tim. Điệu múa xòe của người Thái, làn điệu hát then, hát lượn hòa vào tiếng đàn tính của người Tày, Nùng vang vọng giữa không gian bao la của núi rừng Tây Nguyên. Nam thanh nữ tú ném pao trong tiếng cười giòn tan. Thanh thiếu niên các thôn lập thành đội thi đấu các trò chơi dân gian.

Rồi Lễ tội Hảng Pồ xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông xã Cư Pui, huyện Krông Bông; Lễ hội Khai hạ của người Mường xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột...

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Bắc

Tây Nguyên là nơi hội tụ gần như đầy đủ các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc mang theo bản sắc văn hóa riêng, hòa quyện cùng văn hóa của các dân tộc tại chỗ tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của địa phương.

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam chia sẻ: Sau nhiều năm tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, đảng ủy xã nhận thấy những hoạt động này đã gắn bó máu thịt với đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc trong xã, là món ăn tinh thần không thể thiếu và trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ khi tổ chức được lễ hội, nhiều lớp trẻ bắt đầu học hát then, tập đàn tính, hình thành được đội văn nghệ dân gian của xã thường xuyên được huyện mời đi biểu diễn. Ngoài ra, xã còn hình thành một đội văn nghệ, đội nấu rượu, quay heo, làm bánh... để tham gia vào các dịp lễ hội.

Văn hóa truyền thống không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn mang lại giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế và mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương.

Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn nhấn mạnh: Lễ hội Hảng Pồ xã Ea Siên không chỉ là ngày hội của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở địa phương mà đã trở thành nơi hội tụ và giao thoa văn hóa, các phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc trong và ngoài địa phương. Qua đó, góp phần lưu truyền, phát huy giá trị tốt đẹp văn hóa dân tộc và phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao của xã Ea Siên nói riêng và thị xã Buôn Hồ nói chung ngày càng phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 70 lễ hội, thì có đến hơn một nửa là lễ hội văn hóa của các dân tộc phía Bắc. Cụ thể: Lễ hạ nêu của dân tộc Mường, Lễ hội cổ truyền dân tộc Thái, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, Lễ hội Lồng Tồng, nghi lễ trưởng thành của người Ê Đê...

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian qua, sở đã kịp thời tham mưu ban hành các đề án, kế hoạch nhằm định hướng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có văn hóa các dân tộc phía Bắc, đặc biệt là lễ hội. Lễ hội không chỉ góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương của tỉnh Đắk Lắk.

Lê Hường

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 06/5/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT