Non nước Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh: Giữ gìn vạt áo xưa

Cập nhật: 18/03/2022 11:03:28
Số lần đọc: 984
Có mặt tại Ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo” lần thứ hai vừa được tổ chức tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Phương Toàn, một bạn trẻ sinh sống tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Lần đầu tiên tôi được tới chỗ có nhiều người mê cổ phục như vậy. Mọi thứ đẹp như một bộ phim cổ trang…”.


Nhiều bạn trẻ tham gia Ngày hội “Tóc xanh - Vạt áo” lần thứ hai.

Trước mắt Toàn là các gian hàng với rất nhiều áo ngũ thân, áo tấc, nhật bình, khánh bình… được thiết kế ấn tượng bởi những người trẻ mê văn hóa xưa.

Trong khuôn khổ ngày hội, Toàn say sưa nghe các thành viên nhóm “Hoa Niên-Năm tháng tươi đẹp” nói về cổ phục và những hoa văn truyền thống phổ biến trên áo xưa. Trong không gian được trang trí bởi rất nhiều trang phục mà trước nay chưa từng thấy, Toàn cảm nhận rõ dòng thời gian đang chảy ngược theo từng câu chuyện kể về xuất xứ, ý nghĩa từng hoa văn, mầu vải trên mỗi thiết kế phỏng dựng từ cổ phục thời Nguyễn.

“Tôi học được nhiều kiến thức hay và thấy yêu thêm cổ phục, cổ phong của người Việt. Tôi có đặt mua hai bộ cổ phục nhưng từ trước đến giờ chủ yếu mặc vì thấy lạ chứ chưa được hiểu ngọn ngành. Giờ hiểu thì càng yêu quý hơn những giá trị truyền thống mà nhiều người đang gìn giữ. Có tới đây mới thấy rõ sự tâm huyết của nhiều bạn trẻ trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống”, Toàn vui vẻ nói…

Lần thứ hai tham gia ngày hội, Ôn Quốc Luân cùng các thành viên nhóm “Hoa Niên-Năm tháng tươi đẹp” tiếp tục mang đến cho khách thưởng lãm những trải nghiệm thú vị. Tại đây, khách không chỉ được thoải mái mặc thử cổ phục mà còn được nghe “chủ nhà” thuyết trình về từng mẫu áo.

Ngay trung tâm khu trưng bày, nhóm đặt giá treo mẫu nhật bình thêu tay và đính kết rất kỳ công. Thiết kế này dựa trên nhiều mẫu nhật bình của các mệnh phụ ngày xưa với tông mầu nổi bật. Chỉ cần nghe ai đó khen “Áo đẹp quá!” hay “Cổ phục này nhìn mầu sắc, hoa văn ấn tượng và rất dễ mặc chứ không phải mua về cất tủ đâu”, Luân lại đưa tay sửa chiếc khăn trên đầu, cười tươi. Luân nói, mục đích của nhóm khi tham gia bất cứ hoạt động nào chỉ đơn giản là mang đến những thông tin cơ bản về cổ phục để mọi người hiểu và dần yêu từng bộ áo mang đậm dấu ấn Việt xưa.

Hơn hai năm theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu, phục dựng, phỏng dựng và thiết kế cổ phục thời Nguyễn, Luân cùng các cộng sự thuộc “Hoa niên-Năm tháng tươi đẹp” đã tạo ra nhiều bộ trang phục đẹp mắt dựa trên những hoa văn cổ, dáng áo xưa. Phần chủ đạo nhóm nghiên cứu là những hình ảnh cổ phục còn sót lại cũng như kỹ thuật may mặc mà nhiều đơn vị trước đã sử dụng, từ đó đúc kết kinh nghiệm để vừa có những thiết kế mang phong cách riêng, vừa giữ nguyên giá trị lịch sử trong vạt áo, đường kim.

“Điều mà nhóm tâm đắc nhất là giúp người trẻ có kênh tìm hiểu về cổ phục một cách trực quan và nhanh chóng, gần gũi. Chúng tôi còn có một số hoạt động liên kết với nhiều nghệ sĩ góp phần giúp cho phong trào cổ phong được lan rộng tới nhiều người hơn. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tìm hiểu, thiết kế và thực hiện nhiều mẫu cổ phục ít người biết với tiêu chí nâng cao tính chuẩn xác và thẩm mỹ, ứng dụng để bạn trẻ tự tin mặc trong nhiều dịp. Việt Nam mình có rất nhiều trang phục đẹp, mang đậm nét truyền thống, cớ sao ta lại lãng quên?”, đồng sáng lập “Hoa niên-Năm tháng tươi đẹp” Ôn Quốc Luân cho hay.

Tại gian hàng của Chiêu Minh Các và Phượng Điển, nhiều bạn trẻ thích thú khi tận mắt thấy bộ sưu tập những đôi hài cổ, các bộ nhật bình, khánh bình tông mầu rực rỡ và phụ kiện thời xưa (kim khánh, kim bài, cúc áo…) được phục dựng bằng kỹ thuật in 3D, đúc kim loại tinh xảo. Nổi bật nhất tại gian trưng bày là chiếc nhật bình mầu vàng được phỏng dựng từ cổ phục của Nam Phương hoàng hậu với phần cổ áo có thiết kế bắt mắt và những chi tiết thêu tinh xảo.

Nghe nhóm bạn trẻ thắc mắc “Nhật bình là gì?”, “Kim khánh thì sao gọi là phụ kiện?”, đang dở tay chụp hình các món đồ trưng bày nhưng Dương Phạm Trí, người sáng lập Chiêu Minh Các, vẫn dừng lại, tỉ mỉ giải thích từng câu hỏi với các thông tin thú vị khiến nhiều người nghe bất ngờ. Không chỉ nói về vẻ đẹp, xuất xứ, phân tích hoa văn cổ phục Việt, Trí còn giải thích rõ chức năng của từng món đồ và vui vẻ để các bạn trẻ trải nghiệm miễn phí. Trí cho biết, càng nhiều người hỏi về cổ phục, phụ kiện thời Nguyễn càng khiến cho anh thấy mình đang đi đúng hướng…

Dành nhiều thời gian tìm hiểu về cổ phục, cổ phong triều Nguyễn rồi mê mẩn phụ kiện của người xưa lúc nào không hay, Trí quyết định đầu tư tâm sức để thiết kế, phỏng dựng nhiều phụ kiện độc đáo. Thời gian tới, anh tiếp tục đi sâu vào các dòng trang sức cao cấp của quý phi ngày xưa với mong muốn tạo nên làn gió mới cho dòng cổ phục được người trẻ quan tâm.

“Mọi việc đang vào guồng chứ không còn là cuộc dạo chơi như khi mới bắt đầu. Những trang phục này đang dần mang tính ứng dụng cao. Các món đồ phụ kiện vì vậy phải được làm tinh tế, sắc sảo hơn để tăng giá trị cho từng bộ cổ phục. Thời gian gần đây, rất nhiều bạn trẻ đặt hàng tôi thiết kế cổ phục biến tấu hợp với thời đại nhưng vẫn giữ những nét truyền thống. Thấy họ yêu thích những sản phẩm mình sáng tạo ra, tôi vô cùng hạnh phúc”, Trí cho biết thêm…

“Tóc xanh-Vạt áo” là ngày hội Việt phục với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị được tổ chức để giúp bạn trẻ có cái nhìn tổng quan về dòng chảy lịch sử qua trang phục, phụ kiện, trang sức... Tại đây, bên cạnh các gian hàng của những hội, nhóm uy tín về cổ phong, cổ phục Việt Nam còn có những buổi tọa đàm, hoạt động trình diễn cổ phục, hoạt động làm bánh cổ truyền, đêm gala với những vị khách mời đặc biệt.

Điều mà ngày hội đã làm được là tạo ra một sân chơi văn hóa độc đáo. Ở đây, người trẻ có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu sâu về những bộ trang phục trước đây họ chỉ thấy qua phim ảnh, sách vở. Tình yêu văn hóa, lịch sử được lan tỏa từ những hoạt động gần gũi như vậy…

Bài, ảnh: Kim Ngân

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 18/3/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT