Tin tức - Sự kiện

Tìm cách thu hút khách du lịch theo đạo Hồi

Cập nhật: 16/08/2024 11:50:12
Số lần đọc: 1115
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ấn Độ và một số quốc gia theo đạo Hồi luôn nằm trong top đầu thị trường khách nước ngoài đến Việt Nam. Trước tiềm năng đón lượng lớn dòng khách này, các doanh nghiệp đã nâng cấp sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy vậy, doanh nghiệp đạt chuẩn phục vụ vẫn còn hạn chế.


Tiếp tục nâng cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch

Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, nhận định đến năm 2028, ước có khoảng 230 triệu lượt khách Hồi giáo sẽ đi du lịch nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỉ đô la Mỹ. Hiện, khách Hồi giáo đến Việt Nam phần lớn từ các quốc gia Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, các nước Trung Đông… Đây là những thị trường gần với Việt Nam nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn khách này.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết thành phố đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây lượng khách từ các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và các nước Trung Đông. Khách du lịch Hồi giáo đến TPHCM chủ yếu bằng đường hàng không. Các hãng hàng không như Citilink Airlines của Indonesia đã mở đường bay từ Jakarta đến Đà Nẵng, điều này có thể góp phần tăng lượng khách Hồi giáo đến TPHCM trong tương lai.

Để đáp ứng nhu cầu của nhóm du khách này, địa phương đã phát triển nhiều dịch vụ và tiện ích như nhà hàng Halal, phòng cầu nguyện tại sân bay và các khách sạn có cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu tôn giáo của họ. TPHCM cũng có số lượng hàng quán phục vụ ẩm thực Halal phong phú với các món ăn gà Irani, bánh Naan, bánh Roti hay cơm trộn tại các nhà hàng Shanti, nhà hàng Tandoor, nhà hàng Dahi Handi Indian…

Khách Hồi giáo đến các điểm du lịch ở Việt Nam. Ảnh: Ho Sen You Sof

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cho biết khách du lịch từ các quốc gia Hồi giáo là thị trường mới và tiềm năng đối với du lịch tỉnh. Giai đoạn 2022 - 2023, lượng du khách từ thị trường này chiếm trung bình khoảng 3,8% (khoảng 9.500 lượt khách mỗi năm) trong tổng số khách quốc tế đến tỉnh.

“Du khách Hồi giáo là một trong những thị trường khách có mức chi tiêu bình quân cao nhất trong các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng, khoảng từ 800 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/đêm”, bà Ngọc nói thêm.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 82 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 45 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế thường xuyên xây dựng các tour, tuyến, chương trình du lịch đón các đoàn khách du lịch quốc tế, trong đó có nhóm khách thị trường Hồi giáo (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia…).

Tại Lào Cai, chị Đỗ Thị Thanh Tâm, Giám đốc điều hành của khách sạn Sapa Charm Hotel, cho hay khi thấy tiềm năng từ thị trường khách du lịch Hồi giáo, chị đã đầu tư vào việc phát triển các dịch vụ đạt chuẩn Halal. Doanh nghiệp có chứng chỉ bếp Halal và phòng tiêu chuẩn Halal của người theo đạo Hồi vào năm 2023.

Chị cho biết khách sạn đón khoảng 4.000 khách Hồi giáo trong năm 2023 qua các tour du lịch được tổ chức sẵn hoặc khách tự tổ chức chuyến đi qua các nền tảng trực tuyến. Khách sạn có khu vực cầu nguyện và các tiện nghi đáp ứng yêu cầu của khách như bể bơi riêng biệt và các hoạt động giải trí phù hợp.

Không phải nhà hàng, khách sạn nào cũng dễ đạt chuẩn Halal

Theo ông Ho Sen You Sof, CEO công ty cổ phần Halal Trip Việt Nam, hiện có nhiều bên tổ chức đào tạo dịch vụ, cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn Halal cho đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng khắp Việt Nam. Tuy vậy, việc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy tắc về lưu trú, thực đơn đạt đúng chuẩn Halal khiến du khách có niềm tin tuyệt đối không phải chuyện dễ dàng.

Hiện tại, công ty đào tạo áp dụng theo tiêu chuẩn Halal MS 1500:2019 của Malaysia và tiêu chuẩn MS 2610:2015 dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo. Các tiêu chuẩn này yêu cầu nhà hàng khách sạn phải có khu vực ẩm thực riêng, khu vực hành lễ tập thể dành cho người theo đạo Hồi.

Ngoài ra, tại cơ sở phải có ít nhất một nhân sự là người Hồi giáo tham gia chế biến hoặc phục vụ, đào tạo kiến thức, xu hướng tiêu dùng, hiểu thói quen và tập tính sinh hoạt của từng quốc gia Hồi giáo. Quan trọng nhất thực đơn cho du khách Halal phải tuân thủ các tiêu chuẩn của luật Hồi giáo.

Theo đại diện Sapa Charm Hotel, việc đảm bảo tất cả các dịch vụ đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Halal là thách thức lớn nhất. Quá trình duy trì chất lượng cho bếp và phòng đạt chuẩn Halal, đồng thời đào tạo nhân viên về các quy tắc và văn hóa Hồi giáo đòi hỏi sự đầu tư lớn.

Hơn nữa, việc điều chỉnh các hoạt động vui chơi giải trí để phù hợp với lối sống Hồi giáo cũng cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Trong tương lai, Sapa Charm Hotel sẽ giới thiệu nhiều gói dịch vụ mới như spa Halal, tour trải nghiệm với giá phù hợp với từng phân khúc khách Hồi giáo.

Bên trong điểm lưu trú phục vụ khách Hồi giáo ở Lào Cai. Ảnh: DNCC

Đại diện Sở Du lịch TPHCM chỉ ra Việt Nam chưa phát triển hạ tầng du lịch chuyên biệt đáp ứng yêu cầu của dòng khách đạo Hồi. Một trong những ví dụ đặc trưng là khách sạn dành cho du khách Hồi giáo cần có những trang bị riêng như đánh dấu mũi tên chỉ hướng về thánh địa Mecca để họ cầu nguyện, nhà hàng cần phải có đầu bếp nấu chuyên, thực phẩm phải có chứng nhận Halal…

Đại diện một nhà hàng chuyên phục vụ khách Halal ở Hà Nội cho biết để xây dựng bếp đạt tiêu chuẩn Halal, khoản chi phí nguyên vật liệu, thực phẩm lấy hằng ngày cao gấp 1,5 lần so với thực đơn bình thường. Ngoài ra, việc huấn luyện nhân sự mất thời gian khoảng vài tháng để hiểu văn hóa phục vụ. Hiện, nhà hàng chuyên đón khách đoàn từ Malaysia, Indonesia, Bangladesh, Pakistan… với khẩu phần ăn dao động 13 đô la Mỹ/người.

“Các đoàn dẫn tour vẫn muốn một mức giá cạnh tranh hơn để đón khách số lượng lớn. Nhà hàng cũng phải cân nhắc chuyện doanh thu lợi nhuận, vì khi tuân theo những quy chuẩn Halal thì nguồn thực phẩm có giá cao hơn, nên chúng tôi chỉ nhận khách khi cảm thấy đủ khả năng phục vụ”, vị này nói.

Du khách Hồi giáo đến điểm phục vụ ẩm thực đạo Hồi ở TPHCM. Ảnh: Ho Sen You Sof

Thực tế, các điểm đến du lịch Hồi giáo ở Việt Nam không phải đơn vị nào cũng có sản phẩm tuân thủ theo tiêu chí Halal. Điều này ảnh hưởng đến niềm tin và trải nghiệm của người theo đạo Hồi.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tiếp tục điều chỉnh, cập nhật cơ sở vật chất và chuyển đổi xu hướng khai thác kinh doanh. Đồng thời đơn vị đẩy mạnh truyền thông điểm đến có phục vụ khách Hồi giáo để khai thác hết tiềm năng từ thị trường khách đặc biệt này, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chia sẻ thêm.

Hoàng An

Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị - sgtiepthi.vn - Đăng ngày 15/8/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT