Ðầu tư Du lịch

Thừa Thiên Huế: Quy hoạch chi tiết cho du lịch biển

Cập nhật: 09/09/2021 09:26:09
Số lần đọc: 849
Huế đã là thành phố biển. Du lịch biển sẽ là “đối trọng” xứng tầm cho du lịch văn hóa, di sản. Không dừng ở đó, Thuận An và Hải Dương còn có vai trò “đầu tàu” cho du lịch biển toàn tỉnh, nên đòi hỏi phải nâng tầm hơn nữa.  


Hoàng hôn trên biển Thuận An

Thách thức không nhỏ

Các chuyên gia đánh giá, TP. Huế đã là điểm đến với du lịch biển, nằm trong chuỗi những thành phố duyên hải miền Trung, như Đồng Hới, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang... Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, du lịch biển đang đặt nhiều kỳ vọng khi thành phố được mở rộng. Khi đã trở thành địa phận thành phố, du lịch biển sẽ có nhiều cơ hội, dễ xây dựng thương hiệu hơn. Nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí biển sẽ là đối trọng, kết hợp với tham quan văn hóa, di sản sẽ là sức bật mới cho ngành du lịch Cố đô.

Dù thế, để du lịch biển của TP. Huế trong thời gian đến phát triển xứng tầm còn nhiều thách thức. Trước hết là quỹ đất sạch dành cho phát triển du lịch không nhiều. Đặc biệt là đối với Thuận An, đoạn từ Lapochine Beach Resort đến khu vực cửa biển, dân cư đông đúc. Để khai thác dịch vụ trên những vị trí quan trọng này đòi hỏi nguồn lực lớn để giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối toàn tuyến. Đặc biệt là cây cầu nối giữa Thuận An và Hải Dương, cũng đã có kế hoạch xây dựng nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng đánh giá, lâu nay biển Thuận An hay Hải Dương chủ yếu chỉ thu hút được khách nội tỉnh, còn khách du lịch rất ít lựa chọn, ngoại trừ những resort có dòng khách riêng. Dịch vụ phát triển theo hướng hộ cá thể, khiến chất lượng sản phẩm chưa cao và đơn giản. Do đó, cần có lộ trình nâng tầm chất lượng sản phẩm, dịch vụ bằng những thương hiệu du lịch có uy tín.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố khi mở rộng, du lịch biển là một trong những mũi nhọn được xác định ưu tiên phát triển. Những thách thức về nâng tầm sản phẩm này không nhỏ, nhưng thành phố sẽ quyết tâm và dành nguồn lực xứng đáng để thực hiện các giải pháp theo kế hoạch.

Cần có quy hoạch bài bản

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, khi mở rộng thành phố cần có quy hoạch mới cho du lịch. Nếu không, ít ra cũng có đề án, kế hoạch cụ thể cho sự phát triển mang tính lâu dài và hệ thống. Trong quy hoạch, cần phân định rõ khu vực cần thu hút nhà đầu tư với những dịch vụ có chất lượng cao; khu vực dành cho cộng đồng, với các dịch vụ bình dân hơn…

Theo một chuyên gia, trong quy hoạch, tránh những “vết xe đổ” trước đó ở nhiều địa phương, ngay cả Lăng Cô cũng bị vấp phải chính là quỹ đất phần sát biển gần như dành hết cho nhà đầu tư. Bãi tắm cộng đồng gần như không có nhiều, các hoạt động dịch vụ chỉ gói gọn trong các resort, không thể tạo ra những dịch vụ mang tính chuỗi cho du lịch biển. Theo chuyên gia này, Khánh Hòa là thành phố biển mà Huế có thể nghiên cứu, bởi thành phố này lấy tuyến đường dọc biển làm phân cách giữa biển và các khách sạn, resort. Vì thế, ai cũng có thể tắm biển.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế cho biết, thành phố đang trong quá trình gấp rút khảo sát, đánh giá tất cả các loại hình du lịch, điểm đến khi thành phố được mở rộng, đặc biệt là du lịch biển. Từ những số liệu cụ thể sau khảo sát, sẽ có những phân tích, đánh giá để đưa ra giải pháp phát triển và có tính định hướng lâu dài.

Thu hút được nhà đầu tư

Thu hút được những nhà đầu tư về du lịch đến để khai thác những dịch vụ, nâng chuẩn chất lượng du lịch biển là điều bắt buộc. Những cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với quy hoạch tốt được cho là hai yếu tố có thể giúp TP. Huế sớm thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm.

Theo Sở Du lịch, cần sớm triển khai tuyến đường ven biển, kết nối từ Hải Dương sang Thuận An. Cùng với đó là những tuyến đường kết nối từ trung tâm thành phố về đến biển. Khi hạ tầng kết nối tốt sẽ là điều kiện cần để các nhà đầu tư đến Huế. Cùng với đó là hạ tầng thiết yếu như điện, nước… cũng đóng vai trò quan trọng. Điều này trước tiên đòi hỏi sự đầu tư từ phía Nhà nước.

Trong quá trình phát triển du lịch biển, sự gắn kết từ trung tâm về biển bằng những điểm đến như Thanh Tiên, Đầm Chuồn, Rú Chá… sẽ rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian giữa hai nơi. Điều này đòi hỏi những điểm đến trên cũng có sự đầu tư phát triển tương đối.

Ông Đinh Mạnh Thắng góp ý, trong phát triển, biển của TP. Huế sẽ là trung tâm và có sự kết nối với những khu vực biển lân cận. Phía bắc có thể kết hợp thêm biển Quảng Công, Quảng Ngạn; về hướng nam kết hợp với Phú Thuận, Vinh Xuân, Vinh Thanh để tạo vệ tinh, tăng tính quy mô cho du lịch biển. Cùng với đó là kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Ở những điểm mang tính vệ tinh sẽ là những sản phẩm khác như golf, casino…

Theo Luật Đầu tư 2020, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đòi hỏi phải có quy hoạch phân khu. Với thực tế của du lịch biển TP. Huế, trước mắt quy định này có thể tạo ra một số trở lực trong thu hút đầu tư, nhưng trong tương lai khi đã có quy hoạch cụ thể, chi tiết, có những sắp xếp hợp lý trong phát triển, du lịch biển sẽ phát triển đúng hướng, có tính bài bản./.

Bài, ảnh: Đức Quang

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT