Non nước Việt Nam

Thịt đông - Món ăn độc đáo ngày rét của miền Bắc

Cập nhật: 31/01/2020 08:43:34
Số lần đọc: 920
Trong thú ẩm thực phong phú của người Việt, có một món ăn khá độc đáo, đó là thịt đông. Món ăn độc đáo ở chỗ là ăn khi đã để nguội lạnh, mà thường ăn vào những ngày Đông giá hay lúc Xuân sang.

Với thời tiết như ở Việt Nam, món ăn này phổ biến hơn và được coi như món ăn khá đặc trưng của miền Bắc trong mùa Đông.

Chợ cuối năm nhộn nhịp, vội vã với bộn bề những thứ phải mua sắm, người phụ nữ đảm đang nội trợ không thể quên chuẩn bị cho nấu món thịt đông độc đáo ấy.

Nguyên liệu để nấu món thịt đông đơn giản từ thịt lợn, nhưng chủ yếu người ta dùng thịt chân giò. Các gia vị cần chú ý là mộc nhĩ và hạt tiêu. Một thứ không thể thiếu là bì lợn. Nếu thiếu thứ này thì khó có thể nấu thịt đông.

Móng giò được làm sạch, chẻ đôi, xắt khẩu mía. Bì lợn không nhiều quá, nhưng cũng đừng ít quá, khoảng 1/4 nguyên liệu là vừa. Hỗn hợp được trộn lẫn ướp chút gia vị mắm muối vừa ăn. Mộc nhĩ, bột tiêu được chuẩn bị sẵn cùng những cánh hoa tỉa từ củ cà rốt.

Sau khoảng nửa giờ để cho ngấm, người ta đổ nước nóng xâm xấp rồi đặt lên bếp nổi lửa. Khi sôi được một lúc phải chú ý hớt sạch váng bọt trên nồi thịt đông. Rồi lửa thổi lom dom hầm nhừ cả thịt lẫn bì.

Mộc nhĩ thái nhỏ, bột tiêu cho vào bắc ra. Những cánh hoa cà rốt tỉa sẵn được đặt vào bát nhỏ và múc thịt vào đó để nguội là ta đã được món thịt đông.

Tưởng vậy đơn giản, nhưng làm sao để có tỷ lệ các nguyên liệu trong món thịt đông phù hợp cũng không đơn giản. Nhiều hạt tiêu sẽ cay, nhiều mộc nhĩ thì dễ bị vữa, bì lợn nhiều thì thịt đông lại cứng.

Cầu kỳ cách nấu xưa, các cụ nhà ta thường hay đặt những bát thịt đông vào chiếc mâm, chờ sương lạnh buông xuống thì bưng ra đặt ở ngoài sân. Lời giải thích cùng với đó rằng, làm như thế để món ăn hấp thụ khí lạnh, sương giá của khoảnh khắc trời đất giao mùa mới có được tinh nguyên của vũ trụ.

Một món truyền thống được chế biến đơn giản, nhưng thật tinh túy biết bao! Độc đáo nhưng chẳng ai lý giải rằng tại sao mùa lạnh lại ăn một món lạnh như thế?! Có lẽ do bởi món ăn ở thể đông cứng, hay món lạnh mùa đông mà từ ngày xưa đã gọi là thịt đông. Biết còn miền đất nào có được món ăn truyền thống đặc biệt đến như thế?!

Bát thịt đông được lật úp vào đĩa, cánh hoa giữa phần thạch trong tươi sắc. Miếng thịt mềm, hồng nhạt, có mùi thơm lạ. Nếm thử ngòn ngọn của chất đông hấp dẫn, ăn không ngấy.

Thịt đông ăn với cơm tẻ, bánh chưng, cùng một chút dưa cải, hành muối chua thì ai cũng đều cảm nhận đó là tiết đông, là đất trời đã chuyển sang Xuân.

Đất nước đổi mới, cuộc sống vật chất của người dân được nâng lên. Chẳng phải mong mỏi ngày Tết, ngày nào cũng có thể ăn thịt đông. Cách nấu thịt đông cũng vẫn theo cách truyền thống, nhưng người ta có thể ăn thịt đông cả vào mùa hạ, bằng cách đưa vào tủ lạnh cho đông.

Người ta cũng đã sáng tạo nấu đông bằng thịt gà, nấu đông mọc và thêm một số gia vị khác. Nhưng dù nấu bằng thức gì cũng không thể thiếu bì lợn và sự khéo léo của đầu bếp để đông trong cùng hương vị ngọt sương đông.

Cỗ tết xưa có chăng thiếu giò, thiếu chả nhưng không thể thiếu được bát thịt đông. Bây giờ đầy đủ với cỗ bàn thịnh soạn, món thịt đông vẫn luôn được các mẹ, các chị chu đáo chuẩn bị cùng với thịt mỡ dưa hành.

Mâm cơm tất niên cúng tổ tiên hạ xuống. Cả nhà quây quần bên nhau để chia sẻ nhũng vui buồn của ba trăm sáu mươi lăm ngày ngắn ngủi. Trong bữa ăn, cái món đông độc đáo ấy như để nhắc mỗi người về một gia đình đầm ấm, một nét truyền thống Việt vẹn nguyên./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT