Non nước Việt Nam

Thánh đường Hồi giáo - Biểu tượng văn hoá của người Chăm ở An Giang

Cập nhật: 31/10/2022 08:24:09
Số lần đọc: 879
Nếu bạn là người đam mê những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa tôn giáo, hãy thử lần đến An Giang, ghé thăm thánh đường Masjid Jamiul Azhar. Thánh đường nằm bên dòng sông Hậu, ẩn mình trong ngôi làng Chăm lâu đời. Giữa ngôi làng Chăm bình dị, đơn sơ, Toà Thánh đường toát lên vẻ đẹp uy nghi, huyền bí đầy mê hoặc.  


Mặt trước Thánh đường của người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang và là biểu tượng văn hoá của cư dân đạo Hồi vùng này

Có thể nói rằng, dân tộc Chăm có một nền văn hóa lâu đời và độc đáo. Từ thời xa xưa, người Chăm đã biết sáng tạo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa riêng của mình. Theo thống kê không chính thức, tại An Giang có khoảng 13.000 người Chăm đang sinh sống. Khác với đồng bào Chăm được rất nhiều người biết đến ở khu vực tỉnh Ninh Thuận theo đạo Bà ni, người Chăm ở An Giang theo đạo Hồi và thánh đường Hồi giáo chính là biểu tượng văn hoá, bởi đây được xem là một trung tâm văn hóa của cộng đồng người Chăm.

Đạo Hồi nghiêm cấm sử dụng hình tượng người, động vật, nên trong nghệ thuật trang trí thánh đường chỉ chủ yếu tập trung vào những họa tiết về thực vật như các loài hoa, lá, dây xoắn, dây leo và các hình học tròn, vuông, chữ nhật, đa giác, đường gợn sóng, hình ngôi sao, hình vòm, trăng lưỡi liềm... Trong đó, nổi bật nhất chính là biểu tượng vành trăng khuyết và ngôi sao năm cánh.

Một người đàn ông đang cầu nguyện tại Thánh đường

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar thuộc địa phận xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Thánh đường được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ấn Độ là Mohamet Amin, có kiến trúc mang nét đặc thù của đạo Hồi. Nhìn từ xa, ngôi thánh đường giống kiểu kiến trúc cổ của Ấn Độ, Ba Tư. Cổng chính hình vòng cung, trước là khoảng sân rộng. Trên nóc giáo đường có 1 tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho Âm lịch đạo Hồi và sự tuân theo ý Allah (Đấng toàn năng, hay Thượng đế). Bốn góc trên nóc có 4 tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao.

Thánh đường Masjid Jamiul Azhar có màu sắc chủ đạo là màu trắng kết hợp với màu xanh ngọc. Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và màu xanh thể hiện niềm hạnh phúc, an lạc, vĩnh hằng.

Mặt sau của Toà Thánh đường

Nhìn từ xa, Thánh đường trông rất uy nghi nhưng vô cùng trang nhã, thanh cao. Với người Hồi giáo, Thánh đường là nơi vô cùng quan trọng và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ, và chính vì thế tạo ra nét văn hoá rất riêng và vô cùng độc đáo.

Mỗi ngày, bà con tới Thánh đường 5 lần để cầu nguyện vào các thời gian trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ. Riêng ngày thứ 6, tín đồ đến gần như đông đủ vào lúc 12 giờ trưa và tập trung nghe ông giáo cả đọc kinh trong vòng một giờ đồng hồ. Điều đặc biệt là phụ nữ không được phép bước vào phía trong Thánh đường. Nếu muốn lên Thánh đường cầu nguyện thì người đó phải có chồng là người chăm theo đạo Hồi dắt tay mới được lên.

Điểm nhấn khác biệt trong kiến trúc của Thánh đường so với các tôn giáo khác là ngôi chính điện Thánh đường Hồi giáo không có bàn thờ, hay tượng, ảnh thờ. Bởi theo quan niệm Hồi giáo chỉ công nhận một Đấng toàn năng duy nhất đó là Thánh Allah. Nhưng Allah không có hình dạng cụ thể, là Đấng vô hình có mặt ở khắp mọi nơi. Bởi vậy nên nội thất chính điện Thánh đường Hồi giáo hoàn toàn trống trải.  

Nguyễn Nghĩa

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 31/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT