Hoạt động của ngành

Thái Bình: Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Cập nhật: 11/08/2020 08:03:55
Số lần đọc: 1137
Thái Bình là một vùng quê “địa linh nhân kiệt” với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, là nơi hội tụ và lan toả các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ. Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tỉnh Thái Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả rõ nét. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò tự chủ trong sáng tạo văn hóa, gìn giữ di sản văn hóa của các nghệ nhân được coi trọng. Các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

Thái Bình hiện có 693 lễ hội, trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể. 16 nghệ nhân của tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, 2 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Lễ hội ở Thái Bình phong phú về loại hình như tái hiện cuộc sống nông nghiệp; tôn vinh những người có công với dân, với nước, những anh hùng dân tộc; tái hiện phong tục tín ngưỡng; lễ hội đua tài, vui chơi giải trí. Trong đó, nhiều lễ hội có quy mô lớn như lễ hội chùa Keo, đền Trần, đền Tiên La, đền A Sào, Đồng Bằng. Thời gian và t  rình tự tổ chức lễ hội diễn ra tại các địa phương phù hợp với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Phần lễ trong các lễ hội được tổ chức trang trọng; phần hội tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Qua các lễ hội nhiều trò chơi dân gian được bảo tồn và phát huy như: dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm bánh, làm bún; các trò chơi đua tài giải trí như: vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm. Ở một số lễ hội có những tục thi riêng gắn với huyền thoại về sự tích, hành trạng của các vị thần được thờ tự và những điệu múa dân gian gắn với nghi thức tín ngưỡng. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử tại các địa phương gắn với tuyên truyền, quảng bá du lịch ngày càng được quan tâm.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở luôn coi trọng, phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý tổ chức các lễ hội. Hiện nay các di tích trên địa bàn tỉnh đều có ban quản lý di tích, thủ nhang và người trông coi, bảo vệ, có nội quy hoạt động cụ thể. Các lễ hội khi tổ chức đều thành lập được ban tổ chức, xây dựng được chương trình, kế hoạch cụ thể, có phương án quản lý, bảo vệ di tích, có kế hoạch bố trí khu dịch vụ, kinh doanh và các điểm trông giữ phương tiện. Các hoạt động lễ hội đều được thông báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; công tác trang trí khánh tiết, việc đón tiếp nhân dân và khách thập phương về dâng hương, dự lễ hội được thực hiện chu đáo, trang trọng. Ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tại các địa phương bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích đồng thời bố trí lực lượng sắp xếp tiền lễ, tiền giọt dầu theo đúng quy định. Việc thu, chi tiền công đức ở nhiều lễ hội được quản lý chặt chẽ đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Quá trình thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND, ngày 6/12/2019 của UBND tỉnh, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh loại bỏ dần một số tập tục lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong việc tổ chức các lễ hội; với phương châm lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu.

Trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW có sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ cấp tỉnh đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân công thành viên phụ trách theo dõi việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý tổ chức lễ hội tại cơ sở. Qua việc kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW và các quy định của Trung ương, của tỉnh trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã chấn chỉnh và kịp thời xử lý các vi phạm trong việc quản lý và tổ chức các lễ hội, nếu để xảy ra trên địa bàn thì chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm trước Ủy ban nhân dân cấp trên.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 41-CT/TW trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội  trong tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa nói chung, về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc quản lý và tổ chức lễ hội nói riêng đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng việc làm cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; gương mẫu, tự giác thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở. Phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu trong việc thực hiện và vận động nhân dân cùng thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa của tỉnh và địa phương. Duy trì, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm sáng tạo tại các địa phương, đơn vị và những điển hình về thực hiện nếp sống văn hóa và thực hiện tốt các quy định trong việc quản lý, tổ chức lễ hội. Rà soát, quy hoạch và đầu tư xây dựng, tu bổ, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp, các di sản văn hóa độc đáo tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thực hiện nếp sống văn hóa. Phê phán các hành vi lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan, kinh doanh trục lợi. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân khi tham gia lễ hội góp phần bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, gắn kết được các hoạt động văn hóa với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng.

Vũ Thị Ngọc Hoa 

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Nguồn: Báo Thái Bình

Cùng chuyên mục