Non nước Việt Nam

Tái hiện lễ rước cổ truyền với gần 500 người tham gia tại Lễ hội chùa Keo Thái Bình

Cập nhật: 04/10/2022 08:21:39
Số lần đọc: 614
Mọi công việc chuẩn bị cho buổi khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Thu (lễ hội chính trong năm) tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đến nay đã cơ bản hoàn tất. Đây là lễ hội lớn cấp vùng với nhiều nét văn hóa riêng có của vùng lúa nước châu thổ sông Hồng còn được bảo lưu, gìn giữ.

Xem hát giao duyên tại Lễ hội chùa Keo Thái Bình.

Ông Nguyễn Công Diện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Keo cho biết: Lễ hội chùa Keo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 10/2017. Với những giá trị văn hóa truyền thống còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, Lễ hội đã tạo sức lôi cuốn với du khách gần xa khi tới chiêm bái, vãn cảnh, thắp hương lễ Thánh.

Theo truyền thống, cứ 3 năm một lần, dân làng sinh sống quanh khu vực chùa Keo sẽ tổ chức rước kiệu Thánh. Năm nay, đoàn rước có quy mô gần 500 người chia làm 18 đoàn lớn, nhỏ được diễn ra theo đúng phong tục xưa.

Theo ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao huyện Vũ Thư, các thành viên trong đoàn rước kiệu Thánh là những người dân thuộc xã Duy Nhất và Vũ Tiến (huyện Vũ Thư) đã đều đặn tập luyện gần 1 tháng nay.

Đoàn rước gồm rước kiệu Thánh, kiệu văn, kiệu bát cống, rước long đình, thuyền rồng, tiểu đĩnh (thuyền cò). Các trai làng rước bát bửu, chấp kích; người cao niên rước cầu kiều. Bên cạnh đó, là các đội tế nữ quan và nam quan, đoàn chấp hiệu…

Trải qua những thăng trầm của thời gian, lễ rước kiệu Thánh tại chùa Keo vẫn giữ nguyên tập tục xưa cũ. Đó là, trong 3 ngày hội chính (từ 13/9 âm lịch đến 15/9 âm lịch), buổi sáng rước kiệu Thánh ra Tam quan ngoại và buổi chiều rước kiệu Thánh vào đền Thánh. Mỗi buổi rước lễ thường kéo dài trong gần 3 tiếng với rất nhiều những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh độc đáo, riêng có.

Ngoài hoạt động rước kiệu Thánh, ở chùa Keo Thái Bình còn có tập tục trang hoàng thánh tượng (12 năm mới có một lần), tức là tượng thánh được tắm bằng nước chế từ nước dừa và hạt bưởi, sau đó tô son lại. Bên cạnh đó, là lễ phục y (mỗi năm một lần trước Lễ hội chùa Keo), tức là thay áo cho tượng. Xiêm áo cũ của tượng làm lộc phát cho dân trong làng.

Lễ hội chùa Keo Thái Bình gắn với sự tích về thiền sư Không Lộ, phản ánh một thời kỳ phát triển của Phật giáo Việt Nam. Năm nay, trong Lễ hội chùa Keo, sẽ công bố quyết định của Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia.

Mai Tú

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 03/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT