Tin tức - Sự kiện

Quảng Ngãi: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng

Cập nhật: 29/11/2019 10:36:50
Số lần đọc: 1505
Kết nối các loại hình văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương để đa dạng sản phẩm du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách là cách làm mà các địa phương trong tỉnh đang tích cực khai thác.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Từ giữa năm 2018 đến nay, sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Lý Sơn, sản phẩm du lịch ở các địa phương này trở nên đa dạng, hấp dẫn du khách. Đến Ba Tơ, du khách vừa tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, vừa trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng nghề thổ cẩm Làng Teng...  

Còn ở huyện Bình Sơn, thì sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển văn hóa. Tiêu biểu như tại Gành Yến, xã Bình Hải, huyện đã linh hoạt kết hợp thắng cảnh địa chất với đầu tư làng tranh 3D, tạo điểm nhấn phù hợp với giới trẻ; ở thôn Thọ An, xã Bình An thì kết hợp bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào Hrê với làng tranh để tạo sản phẩm du lịch cộng đồng. Đối với huyện Nghĩa Hành, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các vườn cây ăn trái ở các xã Hành Dũng, Hành Nhân. Những vườn cây trái liên kết với điểm dã ngoại tại Suối Chí đã hấp dẫn du khách chẳng khác nào về thăm miệt vườn Nam Bộ.

Còn tại Lý Sơn, các sản phẩm du lịch truyền thống văn hóa, lịch sử kết hợp với du lịch trải nghiệm nghề truyền thống làm chả cá, nấu xu xoa, làm bánh ít lá gai, câu cá, soi nhum, soi cá ban đêm, làm rượu tỏi, trồng - thu hoạch hành tỏi...

Tiếp tục phát huy lợi thế địa phương

Theo Sở VH-TT&DL, thực hiện Kế hoạch 72 của UBND tỉnh, ngoài du lịch biển đảo cần tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo lợi thế của  từng vùng miền, địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần giúp cho người dân trở thành chủ nhân của hoạt động du lịch, hưởng lợi trực tiếp từ du lịch để cải thiện cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh đó, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, các địa phương có những đề xuất phát triển loại hình du lịch nông thôn. Đây là loại hình du lịch khá gần gũi, thân thiện với du khách, nếu phát huy được, sẽ tạo sản phẩm mới cho du lịch.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho hay: Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng ở một làng, một thôn, một điểm thì cần phải bài bản và cần có thời gian. 

Trước hết phải đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực để người dân bình thường cũng trở thành người làm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch phải nâng cao. Do vậy, cần sự vào cuộc của các địa phương. Vừa qua, Sở đã thành lập đoàn đi tham quan học tập một số mô hình du lịch cộng đồng ở Quảng Nam. Thực tế cho thấy, ngoài việc tham mưu của ngành cho UBND tỉnh về định hướng phát triển du lịch chung, chính quyền cấp xã, cấp huyện cũng cần có kế hoạch phát triển du lịch, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bởi khi thực hiện những mô hình du lịch hiệu quả sẽ mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.  

Vì vậy, trước mắt, một số địa phương như huyện Lý Sơn tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trên cơ sở hoàn thiện các homestay, tăng cường sự tương tác, trải nghiệm giữa khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân đất đảo. 

Còn huyện Bình Sơn thì tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn kết giữa làng tranh bích họa Gành Yến, các điểm trải nghiệm trưng bày đồ cổ và gốm Mỹ Thiện trên tuyến du lịch đến Lý Sơn, nhằm kết nối những giá trị tương đồng về cảnh quan và địa chất giữa hai huyện Bình Sơn - Lý Sơn. Tại huyện miền núi Ba Tơ thì nhanh chóng hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa Hrê tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ trên tuyến du lịch kết nối với huyện Nghĩa Hành và Minh Long; thí điểm xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới tại xã Ba Trang. Những định hướng này đã mở hướng để đầu tư xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng trong năm 2020 và những năm tới./.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT