Non nước Việt Nam

Quảng Nam phát huy giá trị di tích để thúc đẩy kinh tế- xã hội

Cập nhật: 02/12/2021 04:53:09
Số lần đọc: 898
Quảng Nam là một trong những địa phương có hệ thống các di tích văn hóa, di tích lịch sử với số lượng tương đối lớn và đa dạng. Đây là lợi thế để địa phương phát huy, khai thác trong giáo dục truyền thống, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng văn hóa, du lịch để phát triển kinh tế- xã hội.  


Phát huy giá trị di tích

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 439 di tích được xếp hạng, trong đó có 04 di tích quốc gia đặc biệt (gồm: Khu đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương và đường Hồ Chí Minh qua các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn); 63 di tích quốc gia và 371 di tích cấp tỉnh được phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố.

Trong 04 di tích quốc gia đặc biệt có đến 02 di tích quốc gia đặc biệt được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới là: Khu đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Với 63 di tích quốc gia có 45 di tích lịch sử, 14 di tích kiến trúc nghệ thuật, 03 di tích khảo cổ và 01 di tích thắng cảnh.

Trong khi đó, với 371 di tích cấp tỉnh phân bổ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 329 di tích lịch sử, 21 di tích kiến trúc nghệ thuật, 13 di tích khảo cổ và 08 di tích danh lam thắng cảnh.

Chùa Cầu- Hội An được phía Nhật Bản hỗ trợ trùng tu.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Nam, tất cả các di tích trong hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử kể trên đều có giá trị đặc trưng riêng. Tuy nhiên có thế tựu chung thành các loại giá trị như: Di tích lích sử cách mạng khẳng định lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng ngoan cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật, thể hiện trình độ tay nghề, sự tài hoa sáng tạo cũng như phản ánh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trên vùng đất Quảng Nam; di tích khảo cổ học là những căn cứ xác thực của giai đoạn tiền- sơ sử, văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa trên vùng đất Quảng Nam… Mỗi di tích đều khắc ghi một dấu ấn hoặc một sự kiện nổi bật của tỉnh, là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Quảng Nam.

Xác định giá trị của hệ thống các di tích để lại, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, địa phương có liên quan tại Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Hầu hết các di tích đã được ngành chức năng và chính quyền tỉnh Quảng Nam phát huy, đưa vào giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa cho các thế hệ người dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời khai thác các di tích trở thành các điểm, tour, tuyến tham quan du lịch để phát triển kinh tế.

Ở góc độ phát huy, khai thác giá trị các di tích để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển, trong số các di tích tại Quảng Nam, đáng chú ý và hiệu quả nhất là Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây là 02 địa điểm du lịch, đồng thời cũng là địa điểm kết nối các tour, tuyến du lịch quan trọng tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung trong những năm qua, thu hút hàng triệu du khách, trong đó có đông đảo du khách quốc tế tìm đến, mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương; đồng thời giúp người dân địa phương mở ra các dịch vụ kinh doanh du lịch và hỗ trợ du lịch, từ đó giải quyết nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Trong khi đó, tại các di tích lịch sử, truyền thống văn hóa, ngoài việc kết nối thành các tour, tuyến tham quan du lịch, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách tìm đến…. các nơi này cũng đồng thời là nơi để địa phương, đơn vị giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các thế hệ người dân, trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ. Rất nhiều di tích như: Khu di tích lịch sử cách mạng Trung trung bộ - Nước Oa (huyện Bắc Trà My), di tích Chiến thắng Thượng Đức (Đại Lộc), Căn cứ tỉnh ủy Quảng Nam (Tiên Phước), tượng đài Chiến thắng Cấm Dơi (Quế Sơn), tượng đài Chiến thắng Trà Đốc (Bắc Trà My), địa đạo Kỳ Anh, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ), tượng đài Chiến thắng Núi Thành (Núi Thành), di tích nhà Cụ Huỳnh (Tiên Phước), mộ Thượng thư Trương Công Hy, mộ chí sĩ Trần Quý Cáp, bia di tích Giếng Nhà Nhì (Điện Bàn)… trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, luôn có các đoàn du khách, học sinh, sinh viên và người dân đến tham quan, tìm hiểu, tổ chức các hoạt động học tập, về nguồn….

Ngoài 02 yếu tố phát huy giá trị di tích để làm du lịch, phát triển kinh tế và giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng, ở góc độ giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới trong bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di tích cũng là điểm sáng mà Quảng Nam đã gặt hái được trong những năm qua. Có thể điển hình như việc Unesco hỗ trợ Quảng Nam xây dựng hồ sơ và công nhận Di sản thế giới đối với Khu đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn trước đây và hiện nay, tổ chức này cũng đồng thời đồng hành với Quảng Nam chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để trùng tu, bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị mà các di tích này mang lại. Cùng với Unesco, các quốc gia như Italia, Ấn Độ, Ba Lan đã hỗ trợ, để lại nhiều dấu ấn, công trình trùng tu đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn; các tổ chức và chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, trùng tu các di tích phố cổ, Chùa Cầu tại Hội An…

Cạnh đó, sự hỗ trợ, phối hợp của Chính phủ và các Bộ, ngành trong nước liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư tôn tạo, phát huy các giá trị di tích tại Quảng Nam nhiều năm qua luôn được tiến hành thường xuyên và ngày càng hiệu quả. Ngành du lịch các địa phương tại miền Trung những năm qua bước đầu có sự hợp tác với du lịch tỉnh Quảng Nam thông qua các di tích để phát triển các tuyến, tour du lịch và nổi tiếng nhất là “Con đường di sản miền Trung” với sự hợp tác của ngành du lịch các địa phương: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam….

Du khách đến tham qua Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích

Với số lượng các di tích nhiều và đa dạng, bên cạnh việc khai thác, phát huy giá trị mà các di tích mang lại, nhiều năm qua các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích.

HĐND tỉnh Quảng Nam vào các năm 2015, 2019 và 2020 đã ban hành 03 quyết định về hỗ trợ đầu tư di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021. Theo đó, trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 15 di tích quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh được đầu tư trùng tu và 73 bia di tích cấp tỉnh được dựng với tổng kinh phí 87,4 tỷ đồng.

Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, hầu hết các di tích trong danh mục đầu tư tại 03 nghị quyết trên của HĐND tỉnh đều được trùng tu và phát huy giá trị. Trong đó di tích quốc gia có 08 di tích đã hoàn thành, 07 di tích đang được triển khai thực hiện; di tích cấp tỉnh có 61 di tích đã hoàn thành và 73 di tích đã được dựng bia trong giai đoạn 2016-2021.

Để đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích, đến nay về ngân sách tỉnh đã đầu tư 63,724 tỷ đồng; hiện còn 23,676 tỷ đồng đang tiếp tục đầu tư các di tích trùng tu chưa hoàn thành.

Cùng với ngân sách tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tranh thủ, huy động các nguồn vốn từ Trung ương, cấp huyện, cấp xã, xã hội hóa và nguồn hỗ trợ khác để đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 46,2 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 2,1 tỷ đồng; kinh phí cấp huyện, xã hơn 35 tỷ đồng; xã hội hóa (dòng họ, nhân dân đóng góp) hơn 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ từ TP Đà Nẵng 08 tỷ đồng (hỗ trợ di tích Đặc khu ủy Quảng Đà).

Từ các nguồn vốn đầu tư trên, đến nay nhiều di tích tại Quảng Nam đã được tu bổ, làm tăng thêm giá trị; các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống liên quan các di tích được phục hồi, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng trong các tầng lớp Nhân dân và đã dần dần đưa các di tích đi vào hệ thống các điểm, tuyến, khu du lịch. Đây là phương thức tích cực để Quảng Nam đưa công chúng đến với di tích và các di tích trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Nguồn: dangcongsan.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT