Non nước Việt Nam

Phụ nữ thôn Bản Lục (Tuyên Quang) giữ gìn bản sắc văn hóa

Cập nhật: 16/07/2020 14:08:24
Số lần đọc: 874
Thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Nà Hang) có 60 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chiếm 40% dân số trong thôn. Cùng với sự phát triển kinh tế, những người phụ nữ nơi đây luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm người Dao đỏ đang được những người phụ nữ trong thôn hàng ngày gìn giữ.

 


Phụ nữ thôn Bản Lục trao đổi cách thêu trang phục truyền thống.

Trong quan niệm người Dao thôn Bản Lục, người con gái khi được sinh ra như những đóa hoa của bản, những cô tiên của núi rừng. Gia đình nào có con gái đều được các bà, các mẹ chăm chút, thêu thùa cho những chiếc mũ, chiếc khăn, chiếc áo... đẹp nhất để mặc.

Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười được các bà, các mẹ truyền dạy cách thêu thùa, may vá. Khi đến tuổi mười tám, đôi mươi, cũng là lúc thiếu nữ biết may cho mình những bộ trang phục truyền thống.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ gồm khăn vấn đầu, áo, quần, thắt lưng và đồ trang sức bằng bạc. Với đôi bàn tay khéo léo, trí tượng tượng phong phú, người phụ nữ Dao đỏ đã thêu lên bộ trang phục những họa tiết, trang trí bằng sợi chỉ nhiều màu, tạo cho bộ trang phục có được những nét hoa văn sặc sỡ, bắt mắt.

Sự phối màu cũng là một trong những ấn tượng độc đáo trên bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ. Bằng các gam màu đỏ, xanh, trắng, vàng, đen... trong đó, màu đỏ là màu chủ đạo. Với 9 quả bông đỏ, rất to chạy từ vai áo xuống đến thắt lưng tôn lên vẻ ấn tượng, rực rỡ. Những người phụ nữ ở đây bảo rằng, màu đỏ có sức hút mạnh mẽ với người đối diện, nhất là với các chàng trai ở tuổi kén vợ. Họ nhìn vào bộ trang phục của người con gái biết được sự khéo léo, chăm chỉ cũng như đức hạnh của người phụ nữ.

Để giữ gìn nét đẹp truyền thống trong trang phục dân tộc mình, sau những giờ làm việc đồng áng, những người như em Bàn Thị Phương, Phùng Thị Choáng, Bàn Thị Hiền lại cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề may, thêu thổ cẩm truyền thống.

Em Phùng Thị Choáng chia sẻ: “Ở thôn em tuy chưa thành lập được câu lạc bộ người Dao nhưng những người trẻ như chúng em lại tham gia vào đội văn nghệ của thôn. Mỗi lúc giao lưu văn nghệ, các thành viên trong đội tự chọn bộ trang phục truyền thống đẹp nhất và biểu diễn những tiết mục văn hóa của dân tộc mình để giới thiệu, quảng bá đến mọi người. Chúng em rất tự hào, nhất là khi Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT