Tin tức - Sự kiện

Nghị quyết số 68 của Chính phủ: Kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Cập nhật: 26/12/2022 16:28:10
Số lần đọc: 581
(TITC) - Sáng 26/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Về phía Tổng cục Du lịch có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc và lãnh đạo Vụ Lữ hành tham dự hội nghị.  

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp, với 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42/NQ-CP; đảm bảo chính sách có tính khả thi và mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách. Điều này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống người dân, lao động, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, cả nước đã hỗ trợ cho 36,4 triệu người lao động và người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.

Báo cáo công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng thông tin, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động (trung bình 1.200 cuộc gọi/ngày, có ngày cao điểm lên đến 1.500 cuộc gọi/ngày); đồng thời cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thiết lập chuyên mục hỏi-đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc tại Hội nghị

Trong quá trình thực hiện chính sách, các cơ quan đã mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Huy Hưng cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát tại 27 tỉnh, thành phố nắm tình hình, giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương và tiến hành kiểm tra, giám sát tại 9 tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Phú Yên, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng phát biểu tại Hội nghị

Trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có đối tượng là hướng dẫn viên du lịch.

Trong quá trình triển khai, Tổng cục Du lịch đã chủ động nắm bắt thông tin, bám sát thực tế tại các địa phương, thu thập, lắng nghe những ý kiến tham gia của đội ngũ hướng dẫn viên, qua đó kịp thời đưa ra những hướng dẫn, giải đáp nhằm tháo gỡ khó khăn của các địa phương và đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Cùng với đó, Tổng cục Du lịch cũng tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiến nghị các Bộ, ngành đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Qua đó, nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch như: Gia hạn 06 tháng kể từ ngày 31/5/2021 thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020; Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021; Giảm mức thuế suất VAT; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021; Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021; Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đến hết 30/6/2022; Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021…

Theo Nghị quyết số 85/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/7/2022 về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển du lịch gắn với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trong việc thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại nhân lực du lịch có tay nghề, chất lượng cao. Hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch mới. Triển khai các dự án văn hóa trọng điểm và đề xuất để UNESCO công nhận các di sản văn hóa.

Đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất đơn giản hoá các thủ tục để doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014, trong đó có việc điều chỉnh giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 26/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT