Non nước Việt Nam

Nghề truyền thống làm hương thảo mộc xóm Nà Mạ

Cập nhật: 24/09/2020 13:48:30
Số lần đọc: 1160
Về xóm Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng), du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những mẻ hương thảo mộc với sắc đỏ, sắc thẫm đặc trưng được phơi bên đường, trước sân nhà. Làm hương thảo mộc là một nghề truyền thống của người dân nơi đây, không chỉ mang lại nguồn thu nhập, làm hương còn mang một nét đẹp văn hoá riêng.


Người dân xóm Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng) phơi hương thơm thảo mộc.

Nghề làm hương thảo mộc ở xóm Nà Mạ đã có từ lâu đời, không ai nhớ bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng khi lớn lên họ đã thấy ông bà, cha mẹ mình miệt mài với nghề làm hương. Nghề cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, nhiều gia đình vẫn duy trì được đến ngày nay. Hiện nay, xóm Nà Mạ có 76 hộ thì có gần 30 hộ vẫn duy trì nghề làm hương bên cạnh những nghề truyền thống khác.

Hương thảo mộc truyền thống của người dân Nà Mạ làm là loại hương nén hay còn gọi là hương que có chiều dài từ 30 - 40cm, đường kính 2 - 3mm, cốt làm bằng thân cây mai. Phần thuốc bọc quanh có màu vàng sẫm hoặc màu đỏ sẫm. Hiện nay, hương vẫn được bà con gói thủ công bằng giấy báo, mỗi bó khoảng 45 - 50 que hương với giá 10 - 15 nghìn đồng.

Trước đây, các hộ làm hương chủ yếu chỉ để phục vụ gia đình hoặc mang biếu người thân nhưng sau này hương làm ra được nhiều người yêu thích nên dần dần một số hộ đã làm nhiều hơn để phục vụ thị trường. Hương ở đây có mùi thơm rất đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn, cháy đượm hồng. Người dân nơi đây làm hương quanh năm, đặc biệt là làm nhiều vào các dịp rằm tháng Bảy, dịp Tết Thanh minh (3/3 âm lịch), Tết Nguyên đán…

Với hơn 30 năm làm hương, bà Sầm Thị Bời cho biết, bà làm nghề này từ lúc về đây làm dâu, đến giờ khi đã ở tuổi ngũ tuần, con cháu đề huề bà vẫn duy trì. Nghề làm hương ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguyên liệu. Gia đình bà chủ yếu làm ruộng nên hết mùa vụ thì lại tranh thủ làm hương để bán, công việc không vất vả nên những ngày nông nhàn bà làm được hương để bán kiếm thêm thu nhập. Cứ mỗi dịp chợ phiên tại Trường Hà và một số xã lân cận thuộc các huyện Hoà An, Hà Quảng bà lại mang hương đi bán, mỗi phiên được vài trăm nghìn đồng.

Để làm được một cây hương cháy đến tận chân hương và thơm dịu đòi hỏi người làm hương phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi se hương, phơi hương. Tăm hương được làm từ những cây tre, vầu với gióng dài và thẳng được chẻ nhỏ, dài chừng 40 - 50 cm, sau đó đem phơi nắng cho thật khô để thẻ hương cháy tốt và không bị tắt giữa chừng.

Bột làm hương gồm mùn cưa được xát mịn trộn với bột lá cây keo đã được phơi khô và sát mịn, đem hòa với nước sôi theo tỷ lệ nhất định tạo thành một dạng bột sền sệt và có hương thơm đặc trưng. Các nguyên liệu được phơi khô rồi xay mịn, sau đó trộn theo kinh nghiệm và bí quyết riêng của mỗi gia đình làm hương. Công đoạn trộn bột là công đoạn quan trọng nhất, nó quyết định đến mùi thơm, độ bền, độ bắt lửa của hương.

Nén hương làm xong được đem phơi khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì chỉ cần phơi một ngày, nếu trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày nên khi phơi, người làm hương sẽ phải chủ động quan sát tỉ mẩn để biết chắc hương đã khô và giữ trọn vẹn được mùi thơm. Với nguyên liệu tự nhiên được núi rừng ban tặng và cách làm thủ công rất cầu kỳ như thế nên hương ở làng Nà Mạ có nét đặc trưng so với những nơi khác, tỏa mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết, dễ chịu chứ không hắc và an toàn cho sức khỏe. Từ làm hương đã đem lại thu nhập ổn định cho các gia đình.

Tuy không đem lại thu nhập cao nhưng theo nhiều hộ dân, làm hương không vất vả, chỉ cần chăm chỉ là có thêm thu nhập, hương thảo mộc sản xuất tại làng Nà Mạ được nhiều người ưa chuộng, làm đến đâu bán hết đến đó, không chỉ trong xóm, trong xã mà ở các xã lân cận cũng đến đặt mua. Cứ thế, làm hương đã trở thành một phần công việc hằng ngày của người dân nơi đây.

Ông Nông Linh Long, Trưởng xóm Nà Mạ cho biết: Từ nghề làm hương thảo mộc, nhiều hộ trong xóm thoát nghèo, nghề làm hương đã giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 40 lao động. Thu nhập từ làm hương thảo mộc chiếm 50% tổng thu nhập trong hộ gia đình. Đến nay, cả xóm còn 4/76 hộ nghèo, cận nghèo. Từ nghề truyền thống, trung bình người dân trong xóm thu nhập 35 triệu đồng/người/năm.

Với việc sản xuất chủ yếu là thủ công, không áp dụng các dây chuyền sản xuất công nghiệp, số lượng hàng hóa không lớn, nguồn nguyên liệu không độc hại có nguồn gốc tự nhiên, nguồn nguyên liệu dư thừa như: thân cây mai, gio bếp được đưa vào làm chất đốt để dùng trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình. Vì vậy việc sản xuất hương thảo mộc của làng nghề ít tác động đến môi trường sống của người dân.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay hương thảo mộc Nà Mạ vẫn giữ được nét đặc trưng về mùi thơm, nguyên liệu tự nhiên, duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, trở thành điểm đến của du khách khi về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT