Tin tức - Sự kiện

Ngành “công nghiệp không khói” Bình Liêu khởi sắc

Cập nhật: 08/05/2020 08:01:59
Số lần đọc: 764
Được mệnh danh là “Sa Pa của vùng Đông Bắc”, huyện Bình Liêu có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Bằng hướng đi riêng, huyện đã có những bước phát triển mạnh về du lịch, giờ đây Bình Liêu đang trở thành điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch Quảng Ninh.


Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Xác định mục tiêu từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững gắn với việc đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết đầu tiên về phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã được ban hành ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVII.

Với cách làm bài bản, dựa trên những giá trị về văn hóa, bản sắc riêng có, cùng những đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, du lịch Bình Liêu đang ngày càng khởi sắc. Nếu năm 2015, huyện chỉ đón trên 33.000 lượt khách, thì đến năm 2019, tổng số khách du lịch đến địa bàn đạt trên 85.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ liên quan du lịch đạt trên 26 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều, chỉ đón được gần 5.000 lượt khách, doanh thu đạt 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bình Liêu có thế mạnh về du lịch mùa đông, nên hoạt động du lịch năm 2020 trên địa bàn sẽ có thể khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm.

Bình Liêu hiện đang chú trọng công tác quảng bá, tuyên truyền điểm du lịch của huyện; tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch; mở rộng thị trường du lịch, kết nối với các thương hiệu Vietravel, Halotours, PYS Travel, Saigontourist... Huyện cũng xây dựng các sản phẩm du lịch quy hoạch 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn...

Đồng thời, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch, như: Hoàn thành các tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp, đường Đồng Văn - Khe Tiền, đường Khe Vằn - Húc Động... Hoàn hiện hạ tầng viễn thông để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đời sống nhân dân trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn có 18 cơ sở lưu trú với 197 phòng nghỉ, trong đó 8 cơ sở với 58 phòng được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Trên địa bàn đã phát triển một số mô hình homestay khá hiệu quả gắn với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số như: Homestay A Dào, homestay Sông Moóc (Đồng Văn), homestay Hoàng Sằn (Hoành Mô). Ngoài ra còn một số dịch vụ nhỏ lẻ khác như: Cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc, phục vụ ăn uống, bán nông sản cho du khách tham quan thác Khe Vằn...

Hướng đến du lịch phát triển bền vững, đồng thời đưa hình ảnh quê hương Bình Liêu vươn xa hơn, huyện đang lựa chọn chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc trên địa bàn; trong đó có di sản văn hóa về then - nghi lễ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm tại bản Lục Ngù, xã Húc Động; du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc Sán Chỉ qua kiến trúc, trang phục, phong tục, nghề làm miến dong, lễ hội truyền thống. Xây dựng Bản văn hóa dân tộc Tày tại Bản Cáu, xã Lục Hồn; nghiên cứu để xây dựng Bản văn hóa dân tộc Sán Chỉ gắn với cảnh quan Di tích danh thắng thác Khe Vằn, xã Húc Động; Bản văn hóa dân tộc Dao ở bản Sông Moóc, xã Đồng Văn... tạo sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Đặc biệt là tiến hành bàn bạc và thực hiện các bước chuẩn bị xây dựng khu thử nghiệm du lịch biên giới Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) theo thống nhất của hai bên khi điều kiện cho phép…

Du lịch Bình Liêu đang bước những bước đi bài bản, vững chắc. Điều này thể hiện ở việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa, hoàn thiện hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời thu hút đầu tư phù hợp vào du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành “công nghiệp không khói” của địa phương./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT