Non nước Việt Nam

Nét hoa văn trên trang phục truyền thống các dân tộc ở Phú Thọ

Cập nhật: 11/01/2021 10:17:28
Số lần đọc: 2894
Năm 2020, cùng với những con đường rộng thênh thang, những nếp nhà được xây dựng khang trang, sạch đẹp thì điều dễ nhận thấy là bản sắc văn hóa dân tộc luôn song hành, hiện hữu ở khắp các bản làng, thôn, xóm… Rực rỡ nhất là sắc màu của những bộ trang phục truyền thống của bà con mỗi dịp Tết đến, Xuân về…


Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cao Lan, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng.

Làng Chiềng nằm ở trung tâm xã Kim Thượng, thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Nơi đây có nghề dệt thổ cẩm từ rất lâu đời. Dù đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng hôm nay, sản phẩm dệt thổ cẩm vẫn mang đậm bản sắc dân tộc Mường, không thể thiếu trong những ngày hội hè, lễ tết, hiếu hỉ… Theo truyền thống, con gái Mường trước khi về nhà chồng đều phải dệt từ 10 - 20 chiếc chăn, đệm làm quà tặng anh em nhà chồng, vừa thể hiện sự khéo léo, đảm đang, vừa tỏ tấm lòng thơm thảo. Vì thế, trước kia, con gái từ 15 - 16 tuổi ai cũng biết dệt thổ cẩm. Ngày nay, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, người trực tiếp dệt thổ cẩm không còn nhiều, nhưng phong tục đó vẫn được duy trì. 

Trang phục của người Mường có nhiều màu sắc: Màu xanh của cây lá, màu hồng, trắng, đỏ… của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời trên núi. Tuy nhiên, chủ đạo vẫn là màu đen nhuộm từ cây chàm. Hoa văn ngoài hình sọc kẻ còn có hình hoa hồi, quả trám, hạt gấc và những loại hoa trái gắn với người dân vùng núi. Hoa văn, màu sắc của trang phục tuy không thật cầu kỳ nhưng đều thể hiện sự hài hòa với núi rừng và nhân sinh quan, thế giới quan về con người, vũ trụ của đồng bào Mường Kim Thượng. 

Bà Sa Thị Khoán - nghệ nhân thổ cẩm làng Chiềng cho biết: Để làm được vải thổ cẩm may chăn, màn, quần áo, bà con thường phải làm các công đoạn: Thu hoạch bông, tơi mịn (bật bông), kéo sợi, hồ sợi, phơi khô sau đó xe thành ống. Sợi đã xe sẽ được cho vào dụng cụ xếp để xếp sợi dọc, đi sợi dài, số lượng vải làm nhiều hay ít, độ khổ rộng hay hẹp là tùy mỗi người và mục đích sử dụng. Hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì mỗi ngày được khoảng 8- 10m. Nếu dệt hoa văn, dệt chữ thì mỗi ngày chỉ được 1 - 2m.

Để cho vải thêm rực rỡ, bà con thường lấy lá rừng để nhuộm. Nhuộm màu là kinh nghiệm được đúc kết từ lâu đời. Màu đỏ thường được lấy từ nhựa cây bang, màu vàng từ nghệ. Muốn cho tấm vải có màu đen, phải hái lá chàm về ủ khoảng ba ngày, sau đó vắt lấy nước, chao qua lại cho nước chàm sánh đen, múc nước ấy (có thêm nhựa cây vón vén và nước tro) đổ vào ống để một tuần rồi mới bỏ bọt, lấy cắn để dẫm chàm (nhuộm sợi). Để có một tấm vải dệt hoàn chỉnh, phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Vải dệt bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm, cứng tùy theo ý muốn người làm và thường rất bền, mặc đến sờn vải sợi chỉ vẫn không bị nhão hay xô. 

Bền đẹp là thế nhưng hiện nay, do cuộc sống bận rộn nên nghề dệt thổ cẩm ở làng Chiềng đã bị mai một nhiều. Mặc dù được công nhận “Làng dệt thổ cẩm truyền thống Chiềng” từ năm 2011 nhưng đến nay, trong làng chỉ còn vài người giữ nghề, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con quanh vùng. 

Cũng như làng Chiềng, xã Kim Thượng (Tân Sơn), làng Ngọc Tân (khu 13, xã Ngọc Quan), huyện Đoan Hùng - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại nhưng bà con vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống. Trong hầu hết các gia đình đều lưu giữ ít nhất 2 bộ trang phục dân tộc với màu sắc và những nét độc đáo riêng.

Trong đó, trang phục nam thường có màu chàm hoặc đen. Trang phục nữ: Áo dài, từ ngang ngực thường là màu đỏ hoặc nâu, phần dưới xanh chàm hoặc đen. Ngoài áo là chiếc thắt lưng bằng vải được thắt nút ở ngang hông, hai đầu thắt lưng buông dài ngang chiều dài áo. Đầu đội khăn vuông hoặc dài, hai dải khăn thường được cuốn lật về phía sau. Hoa văn trên trang phục của người Cao Lan cũng rất đa dạng, có hoa trám, hình lục lăng, thậm chí dệt chữ… tùy theo nhu cầu và sở thích của mỗi người. 

Bà Trần Thị Kỳ - 81 tuổi, người dân làng Ngọc Tân cho biết: Ngoài quần áo, bà con còn tự dệt túi đựng trầu, xung (túi đựng, dệt bằng sợi gai), dây buộc dao… vừa để sử dụng vừa làm quà tặng cho các chị em trong nhà trước khi đi lấy chồng. Do được làm thủ công tỉ mỉ nên các sản phẩm thường rất bền đẹp, chắc chắn, có thể sử dụng hàng chục năm không hỏng. Trang phục của bà con cũng được khâu, may phù hợp với thời điểm và mục đích sử dụng khác nhau, ví dụ như khi đi làm thì xà cạp thường có màu đen còn khi đi lễ hội thì xà cạp thường có màu trắng…

Chị Nguyễn Trương Phương Hà - Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời nay, nó mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tính nguyên gốc của trang phục các dân tộc thiểu số đang thay đổi ít nhiều hoặc được thay thế bằng những sản phẩm khác, số lượng trang phục truyền thống được lưu giữ trong cộng đồng cũng như số người sử dụng trang phục truyền thống còn ít. Trang phục truyền thống cũng không còn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, mà chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, tết, ngày lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, cưới xin, tang ma và thường được may sẵn, đã thay đổi so với truyền thống về hình thức, kiểu dáng, chất liệu. Để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa nói chung, trang phục truyền thống nói riêng của các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, xây dựng quy ước, hương ước thôn, bản về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống theo tập quán vào các dịp lễ, Tết...

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT