Hoạt động của ngành

Nâng tầm thương hiệu du lịch Khánh Hòa

Cập nhật: 20/07/2021 08:40:17
Số lần đọc: 1524
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa gắn với hoạt động xúc tiến, thu hút tăng trưởng thị trường khách du lịch trọng điểm”. Trao đổi về đề án, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết:  


- Đề án này cần đầu tư khoảng 5,65 tỷ đồng; trong đó, 4,65 tỷ đồng là ngân sách bố trí cho chương trình phát triển du lịch và 1 tỷ đồng kêu gọi từ nguồn xã hội hóa. UBND tỉnh đã giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa và các sở, ngành liên quan để triển khai đề án.

- Xin bà cho biết mục tiêu cụ thể của đề án?

- Đề án nhằm phát triển thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa lên một tầm cao mới để góp phần thu hút các thị trường du lịch trọng điểm và thị trường mới. Qua đó, đưa Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam, tạo nên vị thế mới của du lịch Khánh Hòa. Thương hiệu du lịch Khánh Hòa được xây dựng trên cơ sở phát triển đồng bộ thương hiệu du lịch 3 vùng trọng điểm là Nha Trang, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Vân Phong gắn với phát triển thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm du lịch đặc thù.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thương hiệu du lịch Khánh Hòa được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng đểm; đến năm 2030 trở thành thương hiệu quen thuộc, đủ sức cạnh tranh trên thế giới với việc phát huy tối đa các giá trị cốt lõi là du lịch biển đảo. Bên cạnh đó, đề án còn có mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng hành động về quảng bá thương hiệu du lịch với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; thu hút mạnh các nguồn lực xã hội tham gia công tác xúc tiến quảng bá du lịch…

 - Lộ trình xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Khánh Hòa như thế nào, thưa bà? 

- Đề án đã xây dựng lộ trình phát triển thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, có 3 giai đoạn gắn liền với các nhiệm vụ cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2022, ngành sẽ tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa dựa trên những giá trị cốt lõi đã được xác định của du lịch địa phương. Thương hiệu du lịch sau khi xây dựng sẽ được công bố rộng rãi đến các công ty du lịch, cơ sở lưu trú và những bên liên quan để du khách nhận diện thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.

Giai đoạn 2022 - 2024, sẽ nâng cao nhận diện thương hiệu bằng việc tập trung quảng bá thương hiệu và tăng cường tương tác với khách hàng mục tiêu (khách hàng tiềm năng) dựa trên sở thích, nhu cầu của du khách. Giai đoạn 2024 - 2025, thúc đẩy du khách đến quyết định lựa chọn du lịch bằng việc tiếp tục quảng bá thương hiệu đến khách du lịch, đồng thời tập trung kích thích nhu cầu để đưa du khách đến với quyết định lựa chọn điểm đến du lịch.

- Ngành Du lịch sẽ thực hiện những giải pháp nào để triển khai đề án hiệu quả?

- Để thực hiện hiệu quả đề án cần có sự thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tuyên truyền để nâng cao ý thức xây dựng thương hiệu, đề xuất các cơ chế chính sách để xây dựng sản phẩm du lịch đủ sức cạnh tranh, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng…

Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan tổ chức phổ biến, tuyên truyền về thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, các loại hình du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc trưng, bền vững gắn liền với thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng với các địa phương lân cận trong việc xây dựng sản phẩm, tour tuyến du lịch; tăng cường hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch…

Đặc biệt, ngành Du lịch sẽ tập trung xây dựng nguồn dữ liệu thông tin hình ảnh để giới thiệu điểm đến, sản phẩm, tài nguyên du lịch của tỉnh để quảng bá trong nước và quốc tế; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đáp ứng các yêu cầu phát triển thương hiệu cũng như khả năng ứng dụng trên môi trường trực tuyến; tăng cường chuyển đổi phương thức cung cấp thông tin du lịch, hình ảnh điểm đến trên môi trường số… Để làm được điều này, cần chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản lý thương hiệu và ứng dụng công nghệ số cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và những người làm du lịch; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong xây dựng và quản lý nội dung tiếp thị trực tuyến; tăng cường phối hợp với đơn vị tư vấn và các đối tác truyền thông lớn (Facebook, Google…) để xây dựng các chương trình, kế hoạch truyền thông quảng bá thương hiệu trên môi trường số.

- Xin cảm ơn bà!

 Thành Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục