Non nước Việt Nam

Mong ước giản dị của nữ giám đốc trẻ người Mông

Cập nhật: 05/08/2021 10:10:39
Số lần đọc: 940
Là một phụ nữ người Mông, từ chỗ không có công việc ổn định, nhưng với ý chí và nghị lực của mình, Sùng Thị Si (ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã vượt qua nhiều gian khó, trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số noi theo.


Hiện nay, Sùng Thị Si là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A, được nhiều người biết đến với tên gọi HTX Lanh Trắng chuyên sản xuất các mặt hàng dệt lanh, thêu trang phục truyền thống, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi có dịp đến với cao nguyên đá Đồng Văn.


Sùng Thị Si giới thiệu sản phẩm trang phục truyền thống của dân tộc Mông do HTX Lanh Trắng làm ra. Ảnh: Thanh Thuận

Vượt lên số phận

Đến thăm di tích Dinh thự nhà Vương tại xã Sà Phìn, nhiều người sẽ thấy cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Lanh Trắng tọa lạc bên trái cổng vào di tích. Tại đây, các chị, các cô người dân tộc Mông đang tất bật với việc dệt lanh, thêu trang phục truyền thống cũng như các sản phẩm khác từ cây lanh phục vụ du khách mua làm quà lưu niệm khi có dịp đến Đồng Văn.

Khi có khách vào thăm, đích thân Giám đốc của HTX Sùng Thị Si đứng ra giới thiệu sản phẩm. Trò chuyện với người phụ nữ trẻ người Mông này mới thấy được giá trị tốt đẹp mà HTX Lanh Trắng mang lại cho những người phụ nữ dân tộc Mông ở Đồng Văn.

Sùng Thị Si sinh năm 1989 trong gia đình người Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên lúc nhỏ chị không được đến trường đi học. Cũng như bao phụ nữ Mông khác, chị lấy chồng và có con khá sớm. Hai vợ chồng không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh. Khi có con, chồng chị tin lời kẻ xấu sang Trung Quốc lao động “chui” và bị lừa hết tiền công, phải trở về nước tay trắng. Người chồng chán nản, bất lực trước gia cảnh nghèo nên thường xuyên uống rượu say xỉn, đánh vợ.

Không cam chịu hoàn cảnh nghiệt ngã, chị Si mày mò, học hỏi kinh nghiệm thoát nghèo. Thế rồi, cơ hội đổi đời với gia đình chị đã đến khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn vận động chị tham gia, thành lập HTX Lanh Trắng của xã Sà Phìn (thành lập ngày 23-11-2017).

Từ ngày có thu nhập từ công việc tại HTX, cuộc sống gia đình chị Sùng Thị Si trở nên đầm ấm, hòa thuận, con cái được học hành đầy đủ. Người chồng của chị cũng không còn uống rượu nữa mà trở thành thành viên giúp việc của HTX Lanh Trắng.

Chị Sùng Thị Si chia sẻ: “Khi đã có công việc ổn định, có thu nhập, vị thế người phụ nữ Mông trong gia đình, cộng đồng được nâng cao hơn, tự tin hơn ngoài xã hội chứ không chỉ quẩn quanh bếp núc, ruộng nương và cam chịu bạo hành như trước nữa”.

Chị Sùng Thị Si cho biết thêm, hiện nay, HTX Lanh Trắng có 20 thành viên, đều là đồng bào dân tộc Mông. Các chị em đều có hoàn cảnh khó khăn, có người bị tàn tật, có người đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, có người từng bị lừa bán sang Trung Quốc.

Những ngày đầu HTX Lanh Trắng mới thành lập, chị Si nghĩ ngay đến những chị em không có việc làm, gia cảnh khó khăn trong xã. Chị đã cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà chị em trong xã Sà Phìn, tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định. Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng. Sau khóa học nghề ngắn hạn, nhiều chị em đã tự tin tham gia làm việc tại HTX Lanh Trắng, thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng.

Dưới sự điều hành của Giám đốc Sùng Thị Si, HTX Lanh Trắng ngày càng phát triển. Cùng sự nỗ lực, gắn kết của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều mặt hàng độc đáo với bản sắc riêng, có giá trị trên thị trường, mang lại cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở xã Sà Phìn.

Gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Mông

Cầm trên tay bộ trang phục truyền thống của người Mông đã hoàn thiện, Sùng Thị Si cho biết, người Mông ở Hà Giang nói chung, ở huyện Đồng Văn nói riêng luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có váy, áo Mông.


Nơi trưng bày sản phẩm của HTX Lanh Trắng phía trước Dinh thự họ Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Thanh Thuận

Từ xưa, người phụ nữ Mông vẫn tự tay tạo ra bộ trang phục của mình để mặc hoặc mang đi bán ở các phiên chợ. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều phụ nữ Mông không còn mặc trang phục truyền thống. Họ chủ yếu mua các sản phẩm được may hàng loạt với giá rẻ. Từ ý thức phải gìn giữ trang phục truyền thống để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, các thành viên HTX Lanh Trắng quyết tâm phục hưng và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủ công truyền thống.

Chị Sùng Thị Si tâm sự: “Để làm được một bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ trồng lanh, dệt vải, in sáp ong tạo hoa văn trên vải lanh, nhuộm màu, thêu, cắt, may trang phục... Những nét hoa văn thêu trên váy, áo cũng rất đa dạng, nhiều kích cỡ, đòi hỏi người thợ phải rất kiên trì, nhẫn nại và khéo léo”.

Hiện nay, để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của xã hội, HTX Lanh Trắng không chỉ may, thêu trang phục truyền thống mà còn mở rộng mặt hàng, đa dạng các sản phẩm từ lanh với các sản phẩm như: Túi xách, ví, túi đựng điện thoại, tranh treo tường, ga, gối... Sản phẩm của HTX không chỉ được bày bán tại Dinh thự nhà Vương mà còn được bán rộng rãi tại các điểm du lịch ở phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Hà Nội…, và vinh dự được trưng bày tại một số sự kiện của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, những sản phẩm của HTX Lanh Trắng được giới thiệu trên trang web https://thocamlanhtrangdongvan.com đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, giúp người có nhu cầu có thể đặt mua online, trong đó có nhiều khách hàng nước ngoài.

HTX Lanh Trắng làm ăn ngày càng hiệu quả, không chỉ trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhiều lao động người dân tộc Mông ở Đồng Văn mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống từ cây lanh của người Mông. Đó cũng là mong ước giản dị của doanh nhân trẻ Sùng Thị Si nơi địa đầu Tổ quốc.

“Do được làm thủ công nên những những sản phẩm váy, áo truyền thống của dân tộc Mông thường có nét tinh xảo, hoa văn độc đáo, bền đẹp, giữ màu sắc tốt hơn sản phẩm làm phương pháp công nghiệp nên được khách du lịch ưa chuộng. Việc đẩy mạnh phát triển nghề thêu dệt lanh truyền thống không chỉ tạo công việc ổn định, tạo nguồn thu nhập cho gia đình chị em, mà còn gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông” - Giám đốc Sùng Thị Si chia sẻ.

Thanh Thuận

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT