Hoạt động của ngành

Lượng khách giảm, du lịch TP.Hồ Chí Minh tìm cách tăng sức hút

Cập nhật: 02/10/2024 14:35:20
Số lần đọc: 466
Trong tháng 9, khách du lịch trong nước và quốc tế đến TP.HCM đều giảm trên 20% so cùng kỳ năm 2023, kéo theo tổng thu du lịch giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.


Khách quốc tế chỉ mới đạt 66,9% kế hoạch năm

Chiều 1/10, thông tin cho báo chí về tình hình du lịch tháng 9, Sở Du lịch TP.HCM cho biết lượng khách du lịch nước ngoài và nội địa đến Thành phố đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian qua, ngành du lịch TP.HCM đã có nhiều hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ,… để gia tăng sức hấp dẫn điểm đến TP.HCM. Tuy nhiên kết quả của tháng 9 vẫn chưa đạt như mong đợi.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong tháng vừa qua du khách nước ngoài đến du lịch TP.HCM chỉ ước đạt hơn 570.000 lượt, giảm 22,4% so cùng kỳ năm 2023 (tháng 9 năm 2023 là 734.859 lượt).

Mặc dù ngành du lịch TP.HCM đã có nhiều hoạt động quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ để gia tăng sức hấp dẫn điểm đến TP.HCM, nhưng kết quả của tháng 9 vẫn chưa đạt như mong đợi. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Ngoài ra, lượng khách du lịch nội địa đến TP.HCM cũng chỉ có hơn 3,9 triệu lượt, giảm hơn 21,7%. Cùng kỳ năm 2023, con số này là gần 5,1 triệu lượt.

Lượng du khách sụt giảm đã kéo theo doanh thu ngành du lịch của TP.HCM trong tháng 9 giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng doanh thu ước đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, ít hơn tháng 9 năm 2023 gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách du lịch đến TP.HCM trong 9 tháng của năm 2024 duy trì mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể lượng khách quốc tế ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023. Nhưng so với mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay thì đến thời điểm này TP.HCM chỉ mới đạt 66,9% kế hoạch năm.

Về lượng khách nội địa 9 tháng năm 2024 ước đạt 27,3 triệu lượt, tăng 1,3% so với cùng kỳ và đạt 72% so với kế hoạch năm.

Cần gia tăng sức hút du khách quốc tế

Từ sau đại dịch Covid-19, mặc dù khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phục hồi mạnh, tuy nhiên, một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp lữ hành cho rằng, chúng ta đang “đánh mất” một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế. Đó là Nhật Bản - một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực và từ lâu được xem là một thị trường khách du lịch chất lượng cao, với khả năng chi tiêu lớn.

Chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt - Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo”, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Saigontourist Group tổ chức vừa qua, các chuyên gia cho biết, lượng du khách Nhật đến Việt Nam chỉ phục hồi 61% so với trước đại dịch.

Hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt - Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo”, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Saigontourist Group tổ chức vừa qua. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Bên cạnh nguyên nhân do tình hình kinh tế Nhật Bản suy thoái, đồng Yên mất giá khiến người dân nước này “tiết kiệm”, thì còn có nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể, như TP.HCM, Việt Nam còn thiếu sản phẩm du lịch độc đáo và phù hợp với nhu cầu của du khách Nhật; thiếu cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ so với các thị trường khác,…

Theo ước tính, một chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm (dòng tour Free & Easy) tại Việt Nam cho du khách Nhật Bản có tổng chi phí vào khoảng 102.000 Yên, cao hơn Hàn Quốc và Thái Lan.

Tuy nhiên, ông Hoàng Mạnh Đăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Apex Việt Nam cho rằng không nên quá bi quan hay lo lắng khi số lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Theo ông Đăng, mùa du lịch của khách Nhật thường bắt đầu từ tháng 10 đến khoảng tháng 3 năm sau.

"Từ tháng 10, đây là mùa cao điểm, sau đó là mùa thấp điểm rơi vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Như vậy, chúng ta còn 4 tháng nữa, nên tôi tin rằng số lượng khách Nhật vào Việt Nam sẽ không làm cho chúng ta thất vọng" - ông Hoàng Mạnh Đăng nói.

9 tháng của năm 2024, lượng khách quốc tế đến TP.HCM chỉ mới đạt 66,9% kế hoạch năm. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Để thúc đẩy du lịch inbound từ Nhật Bản đến Việt Nam, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp lữ hành đã chỉ ra nhiều giải pháp quan trọng. Đó là, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyên biệt phù hợp với nhu cầu “khó tính” của du khách Nhật Bản; chú trọng vào các phân khúc thị trường mới như du lịch học đường và du lịch dành cho người cao tuổi; đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên các kênh truyền thông phù hợp với thói quen tìm kiếm thông tin của du khách Nhật; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản để quảng bá và thu hút du khách…

Tỷ Huỳnh

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 01/10/2024

Cùng chuyên mục