Non nước Việt Nam

Long An: Di tích khảo cổ học Gò Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Cập nhật: 29/12/2021 05:36:28
Số lần đọc: 851
Ngày 28/12, UBND thị xã Kiến Tường tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Di tích khảo cổ học Gò Chùa, thuộc ấp 1, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - Nguyễn Tấn Quốc dự.  


Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh - Nguyễn Tấn Quốc trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Di tích khảo cổ học Gò Chùa được phát hiện từ năm 1989 bởi những cán bộ của Bảo tàng tỉnh Long An. Khu di tích này có diện tích gần 2.800m2. Ngày 31/8/2018, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An phối hợp Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) và Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Kiến Tường tiến hành đào thám sát. Kết quả thám sát bước đầu cho thấy Gò Chùa là một di tích kiến trúc cổ, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII, thuộc hệ thống di tích kiến trúc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.

Bằng phương pháp khai quật loại hình kiến trúc khảo cổ học cho thấy, phần đất phủ trên các kết cấu xây bằng gạch bị sạt đổ được bóc tách dần để lộ kiến trúc bên dưới. Những phát hiện kiến trúc gạch trong các hố thám sát được tư liệu hóa bằng các bản vẽ, cao trình và bản ảnh cụ thể. Đây là một di tích kiến trúc cổ gồm nhiều kiến trúc có quy mô nhỏ được xây dựng theo một bình đồ chung, thống nhất và đồng hướng, khả năng có cùng niên đại. Gạch xây dựng trong các kiến trúc gồm hai loại màu xám trắng và nâu đỏ, bên trong có màu xám đen điển hình của gạch trong văn hóa Óc Eo miền Tây Nam bộ.

So với các di tích văn hóa Óc Eo có dấu tích kiến trúc cổ đã được phát hiện ở vùng trũng Đồng Tháp Mười - Long An thì kiến trúc Gò Chùa là di tích có quy mô tương đối lớn và còn khá nguyên vẹn. Đây là một trong những di sản văn hóa quý báu có ý nghĩa quan trọng để giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho nhân dân và đưa vào khai thác du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, việc phát hiện và nghiên cứu di tích góp phần cung cấp những cứ liệu quan trọng về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân văn hóa Óc Eo nói chung và cộng đồng cư dân cổ vùng đất Đồng Tháp Mười - Long An nói riêng trong không gian văn hóa - lịch sử Nam bộ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An – Nguyễn Tấn Quốc thừa ủy quyền lãnh đạo tỉnh Long An công bố quyết định và trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với khu di tích khảo cổ học Gò Chùa.

Việc xếp hạng di tích là cở sở pháp lý cho quá trình giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Đồng thời, góp phần tái hiện toàn bộ kiến trúc Gò Chùa phục vụ nghiên cứu loại hình kiến trúc văn hóa Óc Eo vùng đất Đồng Tháp Mười - Long An./.

Tuấn Hùng

Nguồn: Báo Long An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT