Non nước Việt Nam

Lễ hội đình Lục Nà (Quảng Ninh): Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc

Cập nhật: 15/02/2019 14:34:57
Số lần đọc: 1727
Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 4 lễ hội lớn trong năm. Mỗi lễ hội có nét văn hóa đặc sắc riêng. Một trong các lễ hội đó phải kể đến lễ hội đình Lục Nà diễn ra vào ngày 16 và 17 tháng giêng hàng năm.

Đình Lục Nà thuộc thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn. Theo sử sách ghi chép, đình Lục Nà được xây dựng từ thời kỳ Hậu Lê. Trước đây đình Lục Nà là đình hàng tổng có quy mô 5 gian, cột gỗ tròn có đường kính khoảng 40 - 50cm, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Năm 2011, từ nguồn ngân sách của tỉnh, công trình đình Lục Nà đã được đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 10.187m2.

Đình Lục Nà là nơi thờ Thành hoàng làng Hoàng Cần - một vị tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi.

Theo sự tích kể lại, ngày xưa khi người Tày ở vùng Đông Bắc Tân Yên (Bình Liêu ngày nay) đang sinh sống yên ổn với cây lúa trên ruộng bậc thang và cây măng, cây nấm trong rừng thì giặc từ phương Bắc kéo đến xâm lược, gây nên bao cảnh tang tóc đau thương. Nhân dân trong vùng sống nơm nớp lo sợ, căm thù oán hận chồng chất.

Ở một làng nọ có người con trai người Tày tên là Hoàng Cần, thông minh tuấn tú, sức vóc cường tráng, không cam tâm chịu nhục dưới ách cai trị tàn bạo nên đã bí mật hội tụ trai làng, ngày đêm luyện tập võ nghệ. Chờ thời cơ thuận lợi tới, Hoàng Cần dấy binh đánh vào căn cứ giặc. Với chiếc gậy tre trong tay tả xung hữu đột, ông đã làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn.

Dẹp giặc xong, Hoàng Cần trở về quê cũ. Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, nhân dân huyện Bình Liêu lập đền, dựng đình và tôn ông làm thần hoàng làng, hàng năm mở hội tế lễ linh đình dịp đầu xuân. Đây cũng là nơi thờ các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa.

Đình Lục Nà còn ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng huyện Bình Liêu. Ngày 20/11/1945, tại đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của huyện. Ngày 18/1/1946, Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu được thành lập. Ngày 21/11/1946, lực lượng Vệ quốc đoàn của huyện cũng được thành lập tại đây.

Đình Lục Nà là trung tâm sinh hoạt văn hoá, là nơi giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, yêu làng bản của các dân tộc vùng cao. Nhằm bảo tồn, tôn tạo lễ hội văn hóa truyền thống, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số vùng cao, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương, đầu năm 2006, huyện Bình Liêu đã phục dựng lễ hội đình Lục Nà và duy trì từ đó đến nay.

Lễ hội đình Lục Nà 2019 diễn ra vào ngày 16, 17 âm lịch tức ngày 20, 21 tháng 2 dương lịch, gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ gồm các hoạt động rước sắc phong bài vị Thành hoàng làng Hoàng Cần đi một vòng quanh thôn Bản Cáu nơi có đình Lục Nà, khai trống mở hội, dâng hương, lễ tế thần...

Phần hội gồm các trò chơi dân gian, như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, nhảy bao bố… Bên cạnh đó, còn diễn ra phần giao lưu hát then – đàn tính giữa huyện Bình Liêu và tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, nhằm tạo sân chơi lành mạnh để đồng bào các dân tộc được tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ văn hoá sau những ngày lao động vất vả. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, trân trọng, giữ gìn các di tích lịch sử, nét văn hóa có từ lâu đời.

Tham gia lễ hội, bà con và du khách gần xa không chỉ được sống lại truyền thống của lịch sử, hiểu thêm về vùng đất, phong tục, nét văn hóa và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ta qua bao đời, mà còn là dịp để tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt qua phần thụ lộc ngay tại sân đình. Đây là một nét riêng chỉ ở lễ hội đình Lục Nà mới có./.

 

Nguồn: baoquangninh.com.vn
Từ khóa: Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT