Non nước Việt Nam

Lào Cai nỗ lực khơi nguồn văn hóa tạo sức mạnh nội sinh

Cập nhật: 01/12/2022 08:08:57
Số lần đọc: 657
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những nội dung quan trọng từ hội nghị này đã được định hướng để Lào Cai tiếp tục phát triển văn hóa con người, xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, khơi nguồn sức mạnh lớn lao cho dải đất biên cương của Tổ quốc.  


Nghệ nhân nhân dân Hoàng Xín Hòa, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong 10 nghệ nhân xuất sắc của Lào Cai vừa được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Bằng tình yêu dân tộc, ông Hòa qua nhiều năm miệt mài đã nghiên cứu, tích lũy được vốn tri thức sâu rộng về bản sắc văn hóa người Nùng Dín, đồng thời sưu tầm được gần 50 bài dân ca cổ phục vụ cộng đồng của mình.

Nghệ nhân nhân dân Tẩn Vần Siệu bên lớp chữ Nôm Dao ở Sa Pa.

Lào Cai với 25 cộng đồng dân tộc anh em, nét đẹp truyền thống văn hóa hiện hữu ở mọi khía cạnh, trong lao động, học tập, sản xuất. Ở mỗi cộng đồng người, cách thức bảo tồn gắn với những nét văn hóa khác nhau, quan trọng là ý thức tiếp nối truyền thống của mỗi cá nhân trong đó.

Thời gian qua, tại Lào Cai đã có gần 50 nghi lễ, lễ hội các dân tộc được sưu tầm, phục dựng, bảo tồn; sưu tầm gần 2.000 bài dân ca, phong tục, tập quán, 40 bản nhạc khí, gần 200 mẫu hoa văn, chụp hàng nghìn bức ảnh về lễ hội, phong tục, tập quán các dân tộc; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tất cả nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản; 39 di sản được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch di sản, gắn với nền kinh tế mũi nhọn của địa phương, mang về doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi tham mưu và xây dựng các chính sách làm sao để huy động hỗ trợ cộng đồng bảo tồn một cách tốt nhất, bền vững nhất các loại hình di sản đấy. Muốn cộng đồng giữ gìn tốt hơn thì phải gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Mục đích lớn nhất là để mang lại lợi ích cho cộng đồng, bởi cộng đồng là chủ nhân của các loại hình di sản văn hóa này".

Người Mông dệt vải thổ cẩm.

Giai đoạn 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã dành 2 đề án riêng và các đề án liên quan về phát triển văn hoá, con người. Lào Cai cũng ban hành Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” cùng Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn.

Theo ông Dương Đức Huy - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, những nội dung trên đều nhằm khẳng định quyết tâm lấy văn hóa đi đầu để hướng tới phát triển bền vững. "Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã biết phát huy sức mạnh của văn hóa, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển kinh tế xã hội, biến di sản thành tài sản, lấy văn hóa để phát triển du lịch, khơi dậy tinh thần đoàn kết sáng tạo trong mỗi người dân, khơi dậy khát vọng đồng lòng vì Lào Cai giàu mạnh; để văn hóa đúng như Bác Hồ đã nói, thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh và động lực phát triển đất nước".

Sau một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Lào Cai “Đoàn kết - yêu nước - kỷ cương - văn minh - hiếu khách” được địa phương đặt ra đã đạt những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật ở các chỉ tiêu về số thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn và duy trì danh hiệu văn hóa; chỉ tiêu về giảm thiểu tình trạng tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

An Kiên, Thu Hường

Nguồn: Báo Điện tử VOV - vov.vn - Đăng ngày 30/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT