Non nước Việt Nam

Lào Cai: Lên Mường Bo thưởng thức ''tôm bay''

Cập nhật: 01/11/2021 07:50:35
Số lần đọc: 1078
Hằng năm, bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, trên các thửa ruộng bậc thang vùng cao Sa Pa, lúa chín nhuộm một màu vàng rực. Đây cũng là mùa người dân địa phương đi bắt những con châu chấu béo múp, tròn căng… mà họ quen gọi với cái tên dân dã: “Tôm bay”.


Từ thị xã Sa Pa rẽ theo tuyến đường quanh co ôm sát những quả đồi trên Tỉnh lộ 152, phía dưới là những thửa ruộng bậc thang rất đẹp, mọc san sát bên sườn đồi là những trại hoa hồng đang khoe sắc và tỏa ngát hương, phía trên là những dãy núi với mây lửng lơ bay. Chúng tôi đi xe máy khoảng một giờ đồng hồ là đến trung tâm xã Mường Bo. Phóng tầm mắt xa xa, thung lũng nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi với cây cối xanh mát. Đến với Mường Bo, không chỉ có phong cảnh thiên nhiên mà du khách còn được khám phá nhiều món ăn ngon, lạ mắt, trong đó có món “tôm bay” rang.

Món “tôm bay”.

Chị Vàng Thị Pằng, ở thôn Mường Bo 1 cho biết: Mỗi buổi chiều, khi trời nhá nhem tối, rất đông chị em với đèn pin đeo trên đầu, bên hông là ống nứa đựng “tôm bay”. “Tôm bay” ngủ trên các lá lúa. Loài này có cánh bay và càng bật rất nhanh nên người bắt phải đi nhẹ nhàng, khéo léo và đặc biệt là phải nhanh tay, không tạo ra tiếng động thì việc bắt mới hiệu quả, nên phù hợp với phụ nữ.

Một người như chị Vàng Thị Pằng mỗi buổi tối thường bắt được khoảng 1 đến 2 kg “tôm bay”, với giá bán từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg cũng có thêm khoản thu mỗi vụ lúa chín. Lái buôn thường đặt hàng trước, nhiều lúc bà con đi bắt không đủ cung cấp cho họ.

“Tôm bay” có thể chế biến thành nhiều món: Rang, nướng trong ống nứa, xào xả ớt… nhưng rang là món phổ biến hơn cả. Riêng món rang cũng có đủ biến tấu, từ rang muối, tới rang ớt, rang lá chanh… nhưng thanh cảnh, chân chất nhất vẫn là rang với lá chanh, sả. Món ăn tưởng đơn giản, bình dân nhưng lên bàn nhậu cũng “tốn mồi” chẳng kém thứ sơn hào hải vị khác.

Khi bắt “tôm bay” phải để trong ống nứa 1 ngày cho sạch, sau đó mới chế biến. Nếu để lâu, “tôm bay” chết sẽ mất đi độ ngon và giá trị dinh dưỡng. Trước khi chế biến “tôm bay” thành món ăn, người dân bản địa ngâm “tôm bay” vào nước giấm chua hoặc nước măng chua chừng 40 phút cho sạch, mềm cánh, đùi khi ăn không bị cứng giáp.

Sau khi vớt “tôm bay” khỏi giấm hoặc nước măng chua, để ráo nước rồi mới cho vào chảo mỡ nóng. Muốn có món “tôm bay” rang thơm ngon, khi rang người ta đặc biệt quan tâm đến độ lửa ở mức vừa phải, khi cho vào chảo dùng đũa đảo đều tay. Khi “tôm bay” toàn thân chuyển màu vàng, cánh “tôm bay” chuyển màu xám đen, bụng tôm căng mọng, cho gia vị vừa đủ cùng mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay. Cuối cùng, cho lá chanh, sả thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới.

“Tôm bay” rang có vị thơm, ngọt, lúc nhai giòn tan, béo ngậy. Dù thưởng thức một lần nhưng thực khách đặc biệt ấn tượng và nhớ mãi món “tôm bay” của đồng bào vùng cao.

Món “tôm bay” xã Mường Bo được nhiều thực khách ưa thích, bởi đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên.

Ngọc Luyến - Đức Nguyễn

 

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT