Non nước Việt Nam

Kỳ vĩ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang

Cập nhật: 29/07/2019 09:13:11
Số lần đọc: 1604
Kỳ vĩ và đa sắc màu, đó là đặc điểm nổi bật của quần thể ruộng bậc thang được xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia ở huyện Hoàng Su Phì. Với nhiều du khách yêu quý Hà Giang, mảnh đất phía Tây này luôn là điểm đến không thể bỏ qua, nhất là vào dịp mùa nước đổ và mùa lúa chín. Hệ thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào 2 mùa này sẽ làm nao lòng bất kỳ ai được chiêm ngưỡng bởi sự kỳ công tạo tác của con người, kết hợp với núi rừng hoang sơ đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa ít nơi nào sánh được.

Hoàng Su Phì có trên 3.720 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 25/25 xã, thị trấn. Các thửa ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì uốn lượn trùng điệp và chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi; cùng đó là xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè cổ thụ và khe suối…, tạo thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, đa màu sắc. Cảnh quan ruộng bậc thang của huyện đẹp nhất là vào mùa nước đổ, từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm và mùa lúa chín từ tháng 8 đến giữa tháng 10 hàng năm.

Hiện, Hoàng Su Phì có 1.380 ha ruộng bậc thang tại 11 xã, gồm: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia. Đây là hệ thống ruộng đẹp nhất của huyện Hoàng Su Phì, từ lâu đã được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến.

Như người ta từng ví von cái đẹp thường ở cuối những con đường gian nan, sau những vòng cua “tay áo” liên tiếp vốn được dân lái xe vùng cao truyền tụng “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” thì những gì chờ đón khiến du khách cảm thấy mình được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh tầng tầng, lớp lớp ruộng bậc thang được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam thì những địa danh như: Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh và vốn văn hóa bản địa đặc sắc của bà con các dân tộc La Chí, Dao Đỏ, Nùng cũng là một phần làm nên sức hút du lịch Hoàng Su Phì. Hình thức canh tác trên ruộng bậc thang xuất hiện ở Hoàng Su Phì có từ lâu đời, ban đầu việc khai phá để làm ruộng bậc thang ít do rừng còn nhiều; dần dần, việc canh tác nương rẫy không còn thuận lợi do rừng ngày một ít, đất bạc màu nên đồng bào chuyển dần sang canh tác ruộng bậc thang. Hiện nay, việc gieo cấy trên ruộng bậc thang đã là hình thức chính trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào nơi đây.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được hình thành từ những đôi tay lao động cần cù của đồng bào các dân tộc nơi đây, đời đời nối tiếp nhau bám núi mưu sinh. Để có được những mảnh ruộng bậc thang, bà con đã phải bỏ nhiều công sức, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật trong các khâu khai phá, tạo mặt bằng, đắp bờ, ngăn giữ nước...

Những thửa ruộng bậc thang nơi đây hầu như có mặt trên khắp các quả đồi, trên những triền núi…, đâu đâu, ta cũng thấy sự hiện diện của ruộng bậc thang. Hàng trăm thửa ruộng bậc thang nằm giữa lưng núi, ẩn mình dưới sương đặc hữu của vùng cao, hài hòa và kỳ vĩ. Phóng xe máy theo các con đường liên thôn uốn lượn và ngắm những thửa ruộng bậc thang hiện ra mênh mông và trải dài ra khắp các sườn đồi, bên những dòng suối là một trải nghiệm khó quên. Nép mình bên các thửa ruộng là những mái nhà sàn đơn sơ góp phần làm cho bức tranh tổng thể thêm đặc sắc, nên thơ.

Ruộng bậc thang là một sản phẩm sáng tạo phi thường, một biểu tượng văn hoá thể hiện tính thích ứng tuyệt vời của con người với môi trường vùng núi. Về phương diện vật chất, đây là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng đồi núi đất Hoàng Su Phì. Bên cạnh đó, sự có mặt của ruộng bậc thang đã góp phần hạn chế việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, ổn định cuộc sống và xóa bỏ hình thức du canh, du cư của bà con. Ngày nay, vào mùa nước đổ,  những người ưa cái đẹp đã đến Hoàng Su Phì để thưởng ngoạn và săn những bức ảnh đẹp nhất. Hành trình qua miền di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín hàng năm là một thương hiệu thứ 2 của du lịch Hà Giang bên cạnh Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT