Tin tức - Sự kiện

Khi người nước ngoài quảng bá du lịch Việt Nam

Cập nhật: 02/08/2021 15:17:21
Số lần đọc: 817
Nhiều khách du lịch quốc tế sau khi đến Việt Nam đã “phải lòng” đất nước hình chữ S và quyết định ở lại làm việc, sinh sống. Trong số đó, có những YouTuber (người sáng tạo nội dung trên YouTube) chuyên review (cung cấp thông tin) về các điểm đến hay ẩm thực của các vùng miền ở Việt Nam. Đó là cách hữu hiệu góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Phúc Mập và bạn review món phở Việt Nam trên kênh YouTube cá nhân.

Những “đại sứ du lịch” không lương

Đến từ bang Florida (Mỹ), chàng trai 31 tuổi Brandon Hurley đã “phải lòng” Việt Nam sau khi đi du lịch qua 11 nước châu Á. 5 năm trước, chàng trai này đã quyết định ở lại Việt Nam bởi anh rất yêu đất nước, con người và văn hóa nơi đây. Anh quyết tâm học và sử dụng thành thạo tiếng Việt để có thể giao tiếp với người bản xứ.

Đặc biệt, Brandon Hurley còn thành lập một kênh YouTube riêng để ghi lại những sinh hoạt đời thường, những trải nghiệm văn hóa, du lịch, ẩm thực tại Việt Nam. Kênh YouTube của anh được đông đảo khán giả biết đến với cái tên thuần Việt: Phúc Mập, gồm 130 video clip (đoạn phim ngắn) và hơn 400 nghìn người đăng ký theo dõi chỉ sau 2 năm xây dựng. Phúc Mập đặc biệt yêu thích các món ăn dân dã của Việt Nam như bún đậu mắm tôm, sầu riêng, bún bò... Anh thường xuyên review một cách hài hước về các món ăn này và nhận được vô số lời bình luận, khen ngợi từ cộng đồng mạng.

Cũng là một người Mỹ, sinh ra và lớn lên ở bang Arkansas, mặc dù đã đi qua nhiều nước với công việc chính là review ẩm thực các nước, nhưng cuối cùng, chàng food blogger (người chia sẻ quan điểm cá nhân về ẩm thực) Max McFarlin đã quyết định ở lại Việt Nam bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Không chỉ làm các clip về những món quen thuộc như bánh mỳ, phở, Max McFarlin còn khiến nhiều người tò mò bởi sở thích ăn cháo lòng, cơm tấm, bún riêu và thói quen uống trà đá vỉa hè...

Tuy không thể nói tiếng Việt thành thạo như Phúc Mập nhưng Max McFarlin thưởng thức và cảm nhận các món ăn không thua kém người Việt. Anh cũng yêu thích các món mắm của Việt Nam và dành sự trân trọng đặc biệt cho những bữa cơm gia đình truyền thống hay cơm bình dân, cơm chay. Không dừng ở đó, Max McFarlin còn kêu gọi và dành số tiền thu được từ kênh YouTube của mình để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Chị Louise Lartigues, một người nước ngoài bày tỏ cảm xúc sau khi xem các clip của Max McFarlin: “Những video về ẩm thực Việt Nam của bạn đã chạm đến trái tim tôi, khiến tôi nhớ lại thời gian ở đây và những món ăn hấp dẫn. Đó thực sự là những trải nghiệm khó quên”. Còn tài khoản mang tên Jen viết: “Với tư cách là một người Mỹ gốc Việt, tôi rất biết ơn vì bạn đã truyền cảm hứng để tôi có thể kết nối lại với phần còn thiếu trong mình, đó là mong muốn tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa cội nguồn. Tôi mong sớm được trở lại thăm quê hương”.

Food blogger Max McFarlin review món bún mắm nêm của Việt Nam.

Cơ hội cho du lịch Việt

Ngoài hai “đại sứ du lịch” trên, hiện ở Việt Nam còn rất nhiều người nước ngoài nổi tiếng, được biết đến với những việc làm tương tự. Có thể nói, họ chính là người truyền cảm hứng, góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh du lịch, ẩm thực, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới thông qua nền tảng số với những ứng dụng, mạng xã hội được nhiều người sử dụng.

“Quảng bá du lịch qua mạng xã hội cũng là xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả cao, độ lan tỏa lớn và tiết kiệm chi phí hơn cách quảng bá truyền thống trước kia”, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Tân Thế Giới (New World Travel) chia sẻ.

Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến căng thẳng, việc ở nhà là giải pháp phòng, chống dịch tốt nhất đang được Việt Nam và nhiều nước khuyến khích người dân của mình thực hiện. Trong “nguy” có “cơ”, đây là cơ hội tốt để ngành Du lịch đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, Instagram, TikTok, Zalo hay ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”... nhằm hỗ trợ du khách tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam.

Trong số đó, không thể không kể tới Bộ sản phẩm “Ở nhà cùng Việt Nam” do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) hỗ trợ Tổng cục Du lịch xây dựng, với đội ngũ thực hiện đa phần là người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Họ là những người hiểu, yêu và nhìn Việt Nam với một lăng kính hoàn toàn mới mẻ, nhưng cũng đầy sâu sắc với nhiều phát hiện thú vị. Chính yếu tố “quốc tế hóa” này đã góp phần đưa du lịch Việt Nam tiệm cận với du lịch khu vực và thế giới, hứa hẹn mang lại những kết quả bất ngờ sau thời gian dịch bệnh này./.

Linh Tâm

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT