Hành trang lữ khách

Khám phá kiệt tác hang động Thẳm Khến trên cao nguyên đá Tủa Chùa

Cập nhật: 13/11/2020 08:20:27
Số lần đọc: 995
Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, hang động Thẳm Khến, tỉnh Điện Biên, chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, du lịch, thẩm mỹ.

Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, trong dãy núi đá vôi có quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm, hang động Thẳm Khến (bản Nà Xa, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) là nơi hội tụ nhiều đặc tính đa dạng độc đáo từ thiên nhiên về địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường.

Cùng với nhiều cảnh đẹp thơ mộng và khung cảnh núi non hùng vĩ của xã Mường Đun, hang động Thẳm Khến là điểm du lịch trong hệ thống di tích, thắng cảnh thuộc huyện vùng cao Tủa Chùa – một “tiểu Hà Giang thứ hai của Tổ quốc,” có sức hút đối với du khách thập phương.

Theo ông Đặng Trọng Hà – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên, hang động Thẳm Khến được người dân phát hiện trong quá trình đi nương.

Theo tiếng của dân tộc Thái, “Thẳm” là hang động, “Khến” là tên một loại rau mọc nhiều trước cửa hang, “Thẳm Khến” là hang động có nhiều cây rau Khến.

Tuy hang động Thẳm Khến khá gần trung tâm xã nhưng xung quanh khu vực di tích dân cư ít, rừng núi và bạt ngàn những nương đá tai mèo vẫn còn nguyên sơ, ý thức bảo vệ di tích của chính quyền, người dân địa phương khá tốt nên hang động còn nguyên vẹn.

Để đến hang động Thẳm Khến, du khách có thể đi ôtô, xe máy theo tuyến hai đường: Từ thành phố Điện Biên Phủ, du khách xuôi Quốc lộ 279 khoảng 80km đến trung tâm huyện Tuần Giáo, tiếp tục theo Quốc lộ 6 đến ngã ba Huổi Loóng thì rẽ phải, đi tiếp đến ngã ba Mường Báng rồi rẽ phải đi đến trung tâm xã Mường Đun. Từ đây du khách đi hơn 1km để vào bản Nà Xa và theo đường mòn là đến được hang động.

Tuyến đường khác, từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, du khách đi theo Quốc lộ 12 đến thị xã Mường Lay. Từ đây ngược lên Quốc lộ 6 khoảng 70km đến ngã ba Huổi Loóng thì rẽ phải, tiếp tục đi đến ngã ba Mường Báng lại rẽ phải đi đến trung tâm xã Mường Đun. Từ đây du khách đi vào bản Nà Xa và theo đường mòn để đến được hang động.

Hang động Thẳm Khến là một tổ hợp gồm 2 hang động. Hang động thứ nhất nằm ở vị trí lưng trừng đồi, cửa hang quay về hướng Đông, hang có tổng chiều dài 160m, uốn lượn theo hình chữ S, được chia làm 3 khoang chính. Khi nghiêng người, khom lưng chui qua cửa hang động du khách sẽ vào khoang thứ nhất có chiều sâu khoảng 35m, nơi rộng nhất khoảng 20m, có vòm hình vòng cung.

Tại đây du khách sẽ bắt gặp các phiến đá, măng đá, cột đá đường kính từ 1-2m, cao khoảng 4-5m. Càng đi sâu vào bên trong du khách càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sinh động và lộng lẫy của vô số hình thù các con vật như voi, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật mà thạch nhũ đã tạo nên.

Tại khoang thứ hai có vòm cung, chiều sâu khoảng 75m, xuất hiện những mảng nhũ đá lớn có màu vàng, xám đan xen buông từ vòm hang xuống; trên nền, vách của hang động tồn tại các cột đá măng đá hình cổ thụ, cao từ 10-12m hay những thác nước đang tuôn chảy tung bọt trắng xóa.

Khoang thứ ba có chiều sâu khoảng 45m, nơi rộng nhất của khoang 20m, vòm khoang nơi cao nhất khoảng 10m, trên vách và nền khoang là những dải nhũ màu vàng hình thù kỳ lạ, nổi bật là trụ đá to mọc giữa trung tâm, xung quanh là những phiến đá nối tiếp nhau từ cao xuống thấp như những ruộng bậc thang.

Cuối khoang thứ ba có “giếng trời” rộng khoảng 3m lấy ánh sáng trực tiếp từ trên đỉnh núi chiếu thẳng xuống làm khung cảnh trong hang thêm lung linh, huyền ảo.

Hang động thứ hai nằm cách hang động thứ nhất khoảng 60m về hướng Đông – Bắc, cửa hang rộng khoảng 30m, cao khoảng 10m, hang có chiều sâu gần 300m, uốn lượn hình chữ W, chia làm hai khoang và 2 ngách nhỏ.

Khoang thứ nhất có chiều dài khoảng 160m, gồm một khoang chính và 2 ngách nhỏ. Khoang chính có chiều sâu khoảng 55m, để vào bên trong du khách phải men theo cạnh của những tảng đá lớn. Từ khoang chính có hai ngách nhỏ.

Ngách thứ nhất, chiều sâu khoảng 65m, có các khối nhũ đá hình dải lụa trải dài và rủ xuống, đường viền nét lúc thì mềm mại uyển chuyển như những dải san hô dưới biển, lúc thì mang dáng vẻ sắc nhọn, cứng cáp với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Nền ngách là những nhũ đá sắp xếp như một bức tranh sơn dầu khổng lồ.

Ngách thứ hai có chiều sâu khoảng 40m, nơi rộng nhất của ngách khoảng 15m, các nhũ đá ở đây có hình thù dòng suối, ruộng bậc thang, hai bên vách là những gườm đá dài, khi gõ vào phát ra những âm thanh khác nhau. Nền ngách là những rừng măng đá đa sắc, được bố trí hài hòa của thiên tạo.

Khoang thứ hai có chiều sâu khoảng 120m, nơi rộng nhất khoảng 35m, vòm cao nhất khoảng 15m. Trên vòm và hai bên vách, nhũ đá đâm tua tủa như những móng vuốt sắc nhọn, sống động càng kích thích sự tò mò của du khách.

Nền hang là các phiến đá lớn trải dài được xếp chồng lên nhau thành tầng nhiều tầng, lớp hoặc mọc nối tiếp nhau như những rừng cây xương rồng giữa sa mạc hoặc đứng đơn lẻ như cây nấm khổng lồ.

Ông Đặng Trọng Hà – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên cho biết, hang động Thẳm Khến có hai kiểu hệ sinh thái gồm hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái hang động.

Hang động Thẳm Khến chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, du lịch, thẩm mỹ… Vì vậy, hang động có thể trở thành địa điểm phục vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử, địa lý, địa chất, địa mạo, môi trường sinh học, sự đa dạng của hệ sinh thái.

Đặc biệt, cùng với hệ thống Di tích kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng, danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè, hang động Pê Răng Ky, hang động Khó Chua La, cảnh quan bãi đá tai mèo…hang động Thẳm Khến sẽ tạo nên điểm nhấn quan trọng trong chuỗi liên kết các tour du lịch, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương.

Hang động Thẳm Khến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 3086/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.

Để bảo vệ, phát huy tiềm năng du lịch của hang động Thẳm Khến, ngành Du lịch tỉnh Điện Biên xác định sẽ triển khai một công việc quan trọng như: Khoanh vùng cắm mốc khu vực bảo vệ I, II nhằm ngăn chặn việc xâm hại di tích.

Qua đó tạo cơ sở, pháp lý để bảo vệ các yếu tố cấu thành, vùng bao quanh địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích. Bên cạnh đó đề ra phương hướng tôn tạo và tạo lập cho di tích một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ văn hoá du lịch nhằm hỗ trợ tại chỗ theo nhu cầu của du khách…

Hang động Thẳm Khến là kiệt tác của thiên nhiên, được hình thành qua quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm. Cùng với hệ thống các hang động, di tích và cảnh quan sinh thái đặc trưng vùng cao nguyên đá Tủa Chùa kết hợp các “tiểu vùng văn hóa” độc đáo của nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn, hang Thẳm Khến hứa hẹn trở thành điểm du lịch có sức hút đối với du khách thập phương./.

Nguồn: Vietnamplus

Cùng chuyên mục