Hành trang lữ khách

Khám phá động Âm Phủ ở Ngũ Hành Sơn

Cập nhật: 10/10/2022 10:24:46
Số lần đọc: 1047
Du khách đến động Âm Phủ thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để tham quan, chiêm nghiệm cảnh quan có phần huyền bí, giăng mắc chằng chịt như trận đồ bát quái, ẩn trong không gian chập chờn sáng tối. Vào động Âm Phủ sẽ càng hiểu thêm triết lý nhân sinh sâu sắc về luật nhân - quả.  


Không nguy nga, tráng lệ như động Huyền Không đứng ở thượng tầng của ngọn Thủy Sơn trong quần thể di tích thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, động Âm Phủ lọt thỏm, âm u, ở sát chân của quả núi này. Đây là động lớn thứ hai trong lòng núi Thủy Sơn, ngọn núi đá vôi gần sát bờ biển đêm ngày tung bọt trắng xóa. Chỗ vòm động cao nhất 45-50 mét được thiên nhiên tạo thành vô số ngóc ngách ngoằn ngoèo. Có nhiều hang hốc liên thông với nhau ở những tầng cao, thấp; song cũng có những hang sâu hun hút cụt lối làm nhiều người tưởng tượng ra không ít hình thù quái dị.

Cửa vào động Âm Phủ. Ảnh: Thái Mỹ

Chuyện kể rằng, khi động này còn hoang sơ, chưa có tên Âm Phủ, trong một lần vua Minh Mạng du ngoạn đã cho 12 quân lính thắp đuốc đi vào khám phá. Song, khi những ngọn đuốc vừa soi vào, gió từ trong hang thổi ra lạnh mát đến rợn người, làm đuốc tắt lịm, trong hang ngập tràn màn đêm bí ẩn.

Không thể vào sâu được động, vua Minh Mạng sai lính lấy một trái bưởi ghi tên nhà vua rồi ném vào trong hang. Sáng hôm sau, một ngư dân nhặt được trái bưởi ấy, mang trình vua và điều bí mật đầu tiên của hang được kết luận, đó là đáy hang thông ra với biển. Thế là vua Minh Mạng liền đặt tên động Âm Phủ.

Từ lối kiến trúc độc đáo của thiên nhiên khá phù hợp với cái tên vua đặt, một triết lý từ dân gian và Phật giáo tốt đẹp được con người đưa vào hang động để răn dạy nhân cách, đạo đức làm người. Với ý nghĩa đó, động Âm Phủ được xem là chốn dành riêng cho những linh hồn của thế giới bên kia. Các thợ đá tài hoa của làng nghề Non Nước đã tạc tạo thêm những hình tượng, tiết tấu để phụ họa cho kiến trúc tự nhiên nhằm đề cao tính nhân văn, khuyến thiện, diệt trừ tà ác.  

Du khách tham quan động Âm Phủ khá dễ dàng bởi không phải leo dốc, chỉ cần bước lên vài bậc cấp thì đến chiếc cầu Âm Dương, còn gọi cầu Nại Hà, cầu Đầu Thai, bắc qua sông Vong Xuyên. Theo một nghĩa khác, mọi vong hồn đều phải bước qua chiếc cầu này để xuống động Âm Phủ. Cây cầu được trang trí tại lan can 12 con giáp mà bất cứ ai cũng phải cầm tinh một con nào đó, tượng trưng cho 12 quân lính của vua Minh Mạng đến đây năm xưa.

Qua khỏi cầu Nại Hà, có hai cây nến đã được thắp để soi cho các linh hồn về âm phủ dễ dàng. Trên vách đá bên trái có thần Nam Tào cầm sổ sách kiểm tra người chết, nếu đúng tên, tuổi người đã có trong danh sách về chầu Thổ Địa, thần mới đồng ý cho vào nhập động. Phía bên phải là vị Bắc Đẩu tay cầm cây đuốc dẫn dắt những vong hồn chưa rõ lối đi vào động. Giữa động có một bài vị anh linh đài khá lớn với nồi hương theo kiểu trống đồng Đông Sơn để tưởng nhớ các bậc tiền nhân.

Tại điểm này, bên trái là đường lên Thiên Giới động cheo leo, cao vút nhưng sáng sủa, mát mẻ, đầy khí trời dành cho các vong linh người thiện; bên phải là đường xuống địa ngục quanh co, khúc khuỷu, dành cho hồn vía người ác. Kế theo là Phán Quan Điện, vị thần ngồi xử án trong địa ngục, trước mặt ông đặt chiếc cân Thiên Lý ghi dòng chữ: “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu” (nghĩa là lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt), cùng hai quả cân có hai chữ “nhân - quả”. Ông ghi chép đầy đủ tội lỗi, xét xử công minh, thiện - ác rõ ràng, không có ngoại lệ trên cơ sở đong đếm rạch ròi của chiếc cân.

Sau khi thần xử án phán quyết, bọn đầu trâu, mặt ngựa áp giải các vong hồn tới phòng làm việc của Thập Điện Diêm Vương, tức 10 vị vua cai quản cõi âm. Trước mặt hàng ghế của các Diêm Vương đặt chiếc Nghiệt Kính Đài với dòng chữ “Ác thiện tự hiện” để soi tội lỗi. Các Diêm Vương thay nhau xét hỏi tội trạng của từng người khi còn ở trần gian theo hồ sơ của Phán Quan Điện chuyển qua. Ai chối cãi, kêu oan, kháng cáo thì được đưa tới cho Nghiệt Kính Đài soi rọi. Qua chiếc kính này, ai là người thiện sẽ được dẫn ra chỉ lối để siêu thoát lên Thiên Giới động, hoặc cho về chầu Địa Tạng Vương Bồ Tát. Nếu ai gieo ác nghiệp thì tùy theo tội nặng, nhẹ sẽ bị đẩy xuống giam cầm tại 9 ngục, trong đó ngục A Tỳ là nơi sâu và hà khắc nhất.

9 vua Diêm Vương cai quản 9 địa ngục, còn một vị là Chuyển Luân Vương theo dõi các vong hồn bị án sau khi đã chịu đủ các hình phạt mà biết cải tà, quy chính thành người lương thiện thì cho đầu thai. Trước lúc được đầu thai, Mạnh Bà cho ăn bát cháo lú để quên hết những tội lỗi của kiếp trước nhằm tránh ngựa quen đường cũ. Ở nước ta có tục cúng mãn khó người qua đời, theo dân gian chính là cúng 10 vị Diêm Vương để nhờ cậy họ giúp đỡ, không làm khó người thân quá cố.

Ngoài ra, trong động Âm Phủ còn có Địa Tạng Bảo Tàng với hình tượng bánh xe luân hồi, bên trên có 9 con rồng tượng trưng 9 cửa ngục do Địa Tạng Vương cai quản. Ngài xuống địa ngục vì thương xót các linh hồn bị đày ải để giúp đỡ họ thành người lương thiện, cầu mong tất cả chúng sinh không còn đau khổ nữa.

Cảm động nhất là cảnh ngục A Tỳ với truyền thuyết là sau khi tu thành chánh quả, Mục Kiền Liên Bồ Tát đi xuống cõi âm tìm mẹ là Thanh Đề. Tuy nhiên, vì tội của bà quá nặng nên ông không thể cứu được. Vì vậy, cả cuộc đời ông chỉ biết tu tâm để chuộc lại lỗi lầm của mẹ. Hằng năm, cứ vào rằm tháng Bảy, Bồ Tát Mục Kiền Liên lại lặn lội xuống địa ngục để báo đáp công ơn mẹ sinh thành và từ đó lễ Vu lan báo hiếu được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.

Thái Mỹ

Nguồn: Báo Đà Nẵng - baodanang.vn - Đăng ngày 09/10/2022

Cùng chuyên mục