Hoạt động của ngành

Huyện Dầu Tiếng (Bình Dương): “Đánh thức” tiềm năng du lịch

Cập nhật: 24/03/2021 13:47:12
Số lần đọc: 1907
Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh, huyện Dầu Tiếng đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển ngành du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái đặc sản dọc theo tả ngạn sông Sài Gòn.

Bán đảo Tha La nhìn từ xa

 Tiềm năng lớn

Những ngày đầu tháng 3-2021, khi dịch bệnh Covid-19 có phần lắng xuống, chúng tôi lại có dịp công tác về huyện Dầu Tiếng, nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Đây là Núi Cậu, kia là dòng sông Sài Gòn, Thị Tính hiền hòa uốn lượn quanh co góp phần tạo nên những khung cảnh tuyệt đẹp làm say lòng lữ khách mỗi khi có dịp dừng chân. Đó có lẽ cũng là lý do khiến lượt khách du lịch ghé thăm các danh lam, thắng cảnh ở Dầu Tiếng tăng dần đều theo thời gian. Cụ thể, năm 2017 có 405.000 lượt khách trong và ngoài nước tham quan, du lịch đến Dầu Tiếng. Số lượt khách của năm 2018, 2019 tương ứng là: 524.000 và 615.000. Báo cáo của UBND huyện Dầu Tiếng cho thấy, tổng doanh thu du lịch toàn huyện trong 3 năm kể trên ước đạt 25,2 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 là 6,4 tỷ đồng; năm 2018 là 8,2 tỷ đồng và năm 2019 là 10,6 tỷ đồng.

Với những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, Khu du lịch sinh thái Núi Cậu (chùa Thái Sơn - hồ Dầu Tiếng - suối Trúc); Khu du lịch Đọt - Champa và vùng bán ngập ven hồ Dầu Tiếng là điểm đến thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, dã ngoại. Được biết, cùng với sự gia tăng mạnh lượt tham quan của khách du lịch lữ hành, nhiều đoàn khách của các ban, ngành, đoàn thể, thanh niên, học sinh cũng thường xuyên đến tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng trên địa bàn để ôn lại truyền thống anh hùng của quê hương.

Ngoài việc nhận được sự ưu đãi từ thiên nhiên, chính quyền, và người dân Dầu Tiếng cũng tự tạo ra nhiều nét riêng, hấp dẫn khách du lịch. Trong đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các trang trại nuôi chim yến, trồng nấm, hoa lan và những vườn cây ăn trái đặc sản trĩu quả nép mình bên dòng Sài Gòn thơ mộng cũng tạo nên sức hút đặc biệt khiến những ai từng nghe qua đều muốn được một lần dã ngoại, tham quan đến quê hương Dầu Tiếng anh hùng.

Trong năm 2020 vừa qua, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khách du lịch đến địa phương giảm còn 226.900 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch toàn huyện ước đạt 3,9 tỷ đồng. Nhưng xét trên thực tế khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, đây vẫn là con số đáng khích lệ. Theo nhận định của các chuyên gia về ngành du lịch, năm 2020 có thể là một khoảng lặng dành cho các địa phương, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhưng khoảng lặng đó cũng tạo tiền đề giúp các địa phương có tiềm năng khai thác, phát triển du lịch có thời gian để chuẩn bị kỹ hơn về định hướng phát triển và chất lượng dịch vụ. Nếu có sự chuẩn bị tốt trong dịp này, ngành du lịch của Dầu Tiếng cũng như nhiều địa phương khác sẽ sớm quay trở lại và tạo cú hích vào thời gian hậu Covid-19.

 Thực hiện theo Kế hoạch số 4352/ KH-UBND ngày 28-8-2019 của UBND tỉnh về phát triển tuyến du lịch đường sông trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Dầu Tiếng đã và đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình sau: Xây dựng mới cầu cảng bến Thanh Tuyền, bến phục vụ khách du lịch sinh thái sông nước, kết hợp tham quan các vườn cây ăn trái, các di sản văn hóa, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng… quy mô bến loại II; đầu tư xây dựng mới bến Dầu Tiếng, phục vụ khách du lịch tham quan danh lam thắng cảnh Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, kết hợp du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn… quy mô bến loại II.

Khát vọng vươn lên

Là một địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch nhưng thời gian qua việc khai thác du lịch của huyện Dầu Tiếng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, nguyên nhân chính là do hệ thống cơ sở hạ tầng gắn liền với phát triển du lịch chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đặc biệt là các điểm dừng chân, trung tâm mua sắm, điểm vui chơi quy mô lớn, nhà nghỉ, homestay… chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Một lý do khác cũng có thể kể đến là công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng chưa thật sự được đầu tư một cách quy mô và chuyên nghiệp.

Với khát vọng vươn lên phát triển bằng thế mạnh chủ lực gồm đầu tư tái cơ cấu nền nông nghiệp kết hợp du lịch song song với phát triển đồng bộ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã có nhiều chương trình hành động thiết thực. Cụ thể, huyện đã sử dụng nguồn thu từ du lịch để thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo lại các di tích, bảo vệ môi trường sinh thái và triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng nhằm giúp quá trình lưu thông, di chuyển trong địa bàn huyện và đi các địa phương khác được thuận lợi.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong nhiệm kỳ tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp ngành chức năng tỉnh và các doanh nghiệp khai thác du lịch tập trung đầu tư mạnh cho các hoạt động xây dựng, phát triển và khai thác du lịch trên địa bàn huyện. “Mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2025 là thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan, dã ngoại đến Dầu Tiếng mỗi năm”, ông Linh kỳ vọng.

Cùng với đó, huyện cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cộng đồng dân cư và xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Xác định ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có tính nhân văn sâu sắc, tạo nhiều việc làm, đóng góp vào hội nhập kinh tế, góp phần tạo động lực cho các ngành khác phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, kể từ năm 2021 huyện cũng chú trọng hơn trong việc thông qua báo, đài phát thanh, truyền hình tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể người dân về việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo ngành chức năng và địa phương tích cực vận động người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch ở các khu du lịch và vùng lân cận. Về phía các doanh nghiệp hoạt động khai thác trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn, huyện Dầu Tiếng cũng cam kết sẽ tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín để tạo đột phá trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch Dầu Tiếng.

 Đại diện UBND huyện Dầu Tiếng cho biết qua khảo sát vị trí để xây dựng bến hành khách (bến Dầu Tiếng) phục vụ khách du lịch tham quan danh lam thắng cảnh ở khu vực Núi Cậu và hồ Dầu Tiếng kết hợp với du lịch sinh thái sông nước, huyện đã lựa chọn được vị trí xây dựng thích hợp và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh trình vị trí, quy mô và tiến độ xây dựng. Theo đó, huyện xác định vị trí các thửa đất: 506, 385, 282, 441; tờ bản đồ số 17, với tổng diện tích: 14.581m2 ở khu vực ấp Núi Đất, xã Định Thành là phù hợp vì bề rộng sông thông thoáng, vị trí cảnh quan đẹp, đủ tiêu chuẩn để quy hoạch xây dựng bến khách loại II. Lãnh đạo huyện cho biết nếu tiến hành xây dựng bến hành khách ở khu vực này, sẽ có khả năng tiếp nhận phương tiện có sức chở lớn, đồng thời thuận tiện cho công tác quy hoạch xây dựng khu nhà chờ cho khách tham quan… Ngoài ra, khi xây dựng sẽ thuận lợi cho việc nâng cao mặt bằng, bảo đảm không bị ngập khi hồ Dầu Tiếng xả lũ.

 ĐÌNH THẮNG

Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục