Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch

Cập nhật: 11/01/2021 08:32:03
Số lần đọc: 784
Cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (NQ 10), UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Điểm du lịch Mai Châu Hideaway tại xã Tân Thành (Mai Châu) thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Trên cơ sở NQ 10, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều năm nay, tỉnh đã huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông đến các điểm, khu du lịch được quy hoạch. Trong đó có tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác năm 2018, mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ. Công trình cải tạo, nâng cấp đường 435 có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào khu du lịch hồ Hòa Bình và phát triển KT-XH các xã thuộc huyện Cao Phong, Tân Lạc, TP Hòa Bình… Cùng với huy động nguồn lực từ ngân sách, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thực hiện các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh. Nhiều doanh nghiệp đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào vùng lõi khu du lịch hồ Hòa Bình và nhiều địa phương như Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc… Hiện, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án đầu tư: Dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân golf tại TP Hòa Bình, khu du lịch sinh thái Ba Khan, khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà resort, khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa, dự án nghỉ dưỡng sinh thái hồ Hòa Bình... Một số tập đoàn lớn như Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC đang khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư các khu du lịch tại TP Hòa Bình, huyện Lạc Sơn, Kim Bôi...

Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều điểm du lịch có chất lượng dịch vụ ngày càng đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó phải kể đến các điểm du lịch cộng đồng khu vực hồ Hòa Bình như xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) được vinh danh giải thưởng du lịch cộng đồng Asean; bản Sưng - xã Cao Sơn, xóm Ké - xã Hiền Lương (Đà Bắc), xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc)… Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Từ cuối năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được 40 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tổng vốn khoảng 15.237 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hiệu lực là 72 dự án (chiếm 12,2% tổng số dự án trên địa bàn). Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch được tăng cường. Toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó có 6 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 1 - 2 sao, hàng trăm nhà nghỉ homestay, với khoảng 4.000 phòng; có 9 điểm du lịch địa phương, 1 điểm du lịch cấp tỉnh; các điểm du lịch Mai Châu, khu vực hồ Hòa Bình từng bước được trang bị cơ sở vật chất, hệ thống phương tiện vận tải khách phục vụ hoạt động du lịch… Từ việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất đã tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển. Lượng khách trong nước, quốc tế tăng nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Các điểm du lịch đã tạo việc làm cho trên 14.000 lao động, trong đó có 4.000 lao động trực tiếp.

Hiện, các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch dựa trên tài nguyên, lợi thế đặc thù của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành các đề án phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch, phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành điểm du lịch quốc gia... Tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Chú trọng công tác quảng bá hình ảnh hồ Hòa Bình và các điểm du lịch trên địa bàn; đào tạo, tập huấn, triển khai chương trình liên kết tuyến du lịch, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng tốt, thân thiện môi trường, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình…

 

Lê Chung

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục