Non nước Việt Nam

Hiểu cho đúng về ghi danh di sản

Cập nhật: 26/07/2021 08:39:00
Số lần đọc: 806
Nhiều năm qua, UNESCO có nhiều nỗ lực ghi danh di sản văn hóa và thiên nhiên nhằm kêu gọi sự bảo vệ từ cộng đồng quốc tế. Nhưng thực tế cho thấy ở Việt Nam, cách hiểu về việc ghi danh nhiều khi còn chưa cặn kẽ, thiếu thống nhất.


Cần có cái nhìn đúng đắn hơn việc nhận diện giá trị của di sản trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa, từ đó có hướng đi phù hợp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.


Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh năm 1999. Ảnh: Khiếu Minh

Hiểu định hướng của UNESCO...

Nhằm bảo vệ di sản trong bối cảnh bị ảnh hưởng do thời gian, thiên tai, hiểm họa chiến tranh, UNESCO đã nỗ lực trong nhiều năm để xây dựng Công ước 1972 và 2003. Các di sản được ghi danh sẽ được cộng đồng quốc tế quan tâm và bảo vệ. Tại Việt Nam, các di sản được xếp hạng quốc gia đều được ưu tiên hỗ trợ để bảo tồn và phát huy. 

Tuy nhiên, một di sản được UNESCO ghi danh sẽ được ưu tiên hơn, vậy những di sản chưa được ghi danh thì sẽ ra sao? Hoặc việc ghi danh có thể dẫn tới những hành động trái ngược với tinh thần Công ước. Một di sản sẽ không trở nên “cao quý” hơn hay xếp trên các di sản khác chưa được ghi danh. Cần nhận thức rõ để tránh thái độ thất vọng từ cộng đồng khi không được ghi danh. 

Theo quy định, việc xây dựng hồ sơ là nhiệm vụ cũng như kế hoạch của tỉnh ủy và UBND các tỉnh, thành phố, cũng như phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố phải có công văn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), sau đó Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị được phép xây dựng hồ sơ.

Các cơ quan có thẩm quyền này tổ chức các cuộc họp để tham vấn các chuyên gia, sau đó trình công văn đề nghị Thủ tướng chính phủ cho phép tỉnh, thành phố xây dựng hồ sơ. Công tác này cần sự phối hợp của UBND các tỉnh, thành phố và Sở VHTTDL, tham khảo tư vấn từ các đơn vị chuyên môn và các chuyên gia trong nước lẫn quốc tế.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Việc làm hồ sơ đệ trình UNESCO là đại sự quốc gia đã được thể chế hóa, có những quy định hướng dẫn chặt chẽ. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của Bộ VHTTDL, Ủy ban UNESCO Việt Nam, các đơn vị tư vấn, chuyên môn, các nhà khoa học, các viện khác nhau... Đó là sự vào cuộc của một hệ thống chính trị, hệ thống quản lý, các ngành và các chuyên gia khác nhau”. Thay vì ưu tiên khai thác, hiểu đúng ghi danh di sản sẽ hướng sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng vào nhiệm vụ bảo vệ di sản, phát huy chức năng của di sản đối với cộng đồng, bảo đảm sự kế thừa, truyền dạy, hỗ trợ nghệ nhân về dụng cụ thực hành di sản.

… để bảo tồn bền vững di sản 

“Dù ghi danh là quốc tế hay quốc gia thì di sản vẫn luôn thuộc về cộng đồng tại địa phương, vùng miền đó. Chính cộng đồng đã sáng tạo, gìn giữ các di sản trước sự ghi danh của UNESCO hàng trăm năm. Tuy nhiên, việc ghi danh là để cộng đồng thấy được vai trò chính của mình, chứ không phó mặc cho Nhà nước hay tổ chức quốc tế. Cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò tổ chức, chuẩn bị hạ tầng, bảo đảm vệ sinh và an ninh trật tự cộng đồng, còn phần thực hành nội dung chính vẫn do cộng đồng đảm nhiệm”, PGS, TS Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh. Như trường hợp hát xoan, năm 2009 được UNESCO ghi danh. Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết tâm bảo tồn và đưa hát xoan ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với nguồn hỗ trợ của Nhà nước và vốn xã hội hóa, Phú Thọ đã thực hiện đề án lớn với nhiều bước như mở các lớp truyền dạy hát xoan trong trường học, cơ quan và các địa phương khác ngoài những nơi có truyền thống hát xoan cũ, khôi phục các đình trước đây dành cho hát xoan…

Ngoài ra, song song công tác bảo tồn, việc phát triển kinh tế, du lịch vẫn phải giữ nguyên tắc phát triển bền vững. Được biết, UNESCO từng có nhiều chương trình về phát triển du lịch bền vững, gắn với việc làm sao di sản đó được phát huy, nâng cao cuộc sống của cộng đồng địa phương. Nếu có các công ty hay đơn vị nào khai thác, phát triển du lịch dựa trên các giá trị nền tảng của di sản thì phải tận dụng nguồn lực địa phương. Ngoài ra, công ty đó không được phép hủy hoại di sản, bởi như thế là có tội với cộng đồng và quốc gia. Theo đó, mấu chốt việc khai thác du lịch bền vững là không phục vụ cho riêng một cá nhân, tổ chức nào mà cộng đồng phải được hỗ trợ và hưởng lợi từ di sản.

Không nên tự hào thái quá, không hiểu sai di sản sau khi được ghi danh bắt buộc trở thành thương hiệu, thu hút du lịch và đóng góp cho kinh tế địa phương. Nhất là, cần xác định rõ tiêu chí hậu ghi danh là bảo đảm bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực

Anh Vũ

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT