Non nước Việt Nam

Hà Nội: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 30/07/2021 10:03:53
Số lần đọc: 1460
Hành trình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Hà Nội thời gian qua đã góp phần không nhỏ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa Mường, Dao được hiện thực hóa tại 5 huyện có đồng bào sinh sống chính là nền tảng để Hà Nội tiếp tục bảo tồn giá trị văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch - một trong 10 dự án trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030.


Trình diễn trang phục người Dao tại Bảo tàng Hà Nội.

Nền tảng bền vững

Gần 108 nghìn đồng bào DTTS hiện đang sống tập trung tại 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ), chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao. Những năm gần đây, Thành phố đã không ngừng ưu tiên đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa tại những nơi này.

Huyện Ba Vì là một trong hai nơi tập trung đông đồng bào DTTS của Hà Nội và cũng là địa phương tiên phong xây dựng, triển khai Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa DTTS huyện Ba Vì” (giai đoạn 2015 - 2020). Đề án đã động viên, khuyến khích các dân tộc trên địa bàn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời, xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ bà con. Chính từ đây, xã Vân Hòa của huyện đã thành lập 3 đội cồng chiêng Mường thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ khách du lịch, vừa giúp bà con có thêm thu nhập, vừa quảng bá văn hóa truyền thống. Ngoài nét đẹp cồng chiêng, cỗ lá và cơm lam của bản Mường nơi này cũng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Xã Minh Quang cũng vậy, với 40% dân số là người Mường, bà con đã có 6 đội cồng chiêng và các câu lạc bộ văn hóa thể thao đặc trưng của mình. Hai năm một lần xã lại tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường để động viên lớp trẻ gìn giữ văn hóa riêng. Nhiều người dân Minh Quang khẳng định văn hóa Mường có nhiều khởi sắc kể từ khi UBND huyện Ba Vì triển khai Đề án. Bà con đã có ý thức hơn trong giữ gìn nét đẹp truyền thống, từ phong tục, văn nghệ dân gian cho tới tiếng nói, trang phục...

Đất Ba Vì còn là nơi hội tụ của bà con người Dao trong những bản làng đặc trưng ở các thôn Yên Sơn, Hợp Nhất của xã Ba Vì. Vốn văn hóa quý giá của họ là "Tết nhảy", là các bài thuốc dân gian mà như các nhà nghiên cứu văn hóa nói, nếu không được khôi phục, bảo tồn thì đó sẽ là sự thiệt thòi của người Dao, làm giảm giá trị của chiến lược phát triển du lịch ở huyện Ba Vì. Vì thế, huyện đã nỗ lực không ngừng để dạy chữ cổ người Dao, hỗ trợ người dân bảo tồn các bài thuốc quý, phục dựng không gian văn hóa cộng đồng... Hiện tại, các nghi thức truyền thống của "Tết nhảy" đã được khôi phục gần như nguyên vẹn và được tổ chức thường xuyên ở các thôn Yên Sơn, Hợp Nhất... Các bài thuốc nam của người Dao được chính quyền hỗ trợ, hệ thống hóa nên nhiều gia đình đã phát triển nghề thuốc, chữa bệnh cho cộng đồng.

Cùng với Ba Vì, Thạch Thất cũng là huyện có nhiều đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là bà con người Mường sinh sống tập trung ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường” (giai đoạn 2016 - 2020) của Thạch Thất đã “phủ sóng” sâu rộng đến người dân, nhất là lớp trẻ, giúp họ hiểu, tôn trọng và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nỗi lo văn hóa núi rừng nhạt nhòa nơi phố thị đã được hóa giải nhờ những lớp dạy cồng chiêng rôm rả, các nhà văn hóa thôn, khu sinh hoạt cộng đồng khang trang, rộng rãi. Bà con dân bản vì thế mà đồng lòng, chung sức cùng nhau bảo tồn vốn văn hóa dân tộc mình.

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2019, 100% xã vùng DTTS Hà Nội đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã. Như ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc Hà Nội đã chia sẻ: “Thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn, xã vùng DTTS của Thủ đô nhằm tạo đòn bẩy giúp đồng bào vươn lên phát triển, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 46 công trình nhà văn hóa thôn đảm bảo các tiêu chí như sân khấu trong nhà, bàn ghế, loa đài, diện tích và khu thể thao... đều đáp ứng tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Đây cũng chính là nền tảng để Hà Nội tự tin triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, trong đó quan trọng là bảo tồn văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch. 

Nội dung trọng tâm

Hà Nội đang nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-06-2020 của Quốc hội (phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Việc bảo tồn giá trị văn hóa DTTS trên địa bàn Thủ đô lại bước vào một hành trình mới khi Chương trình mục tiêu quốc gia xác định “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” là một trong 10 dự án trọng tâm sẽ được đầu tư trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Dự án sẽ tập trung khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có dân số ít; Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống và tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, xây dựng sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó là việc xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thống, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống...); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS (mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các DTTS, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các DTTS; mô hình xây dựng đời sống văn hóa các DTTS; mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng); câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS, vùng di dân tái định cư.

Hiện tại, Dự thảo Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội và các địa phương bắt đầu hành trình bảo tồn văn hóa DTTS tiếp theo với rất nhiều kỳ vọng.

 “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta cần chú trọng đổi mới chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các DTTS; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch...”.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhật Minh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT